Vì sao bằng đại học “thiu”?

09:07, 02/07/2013
.

Thanh Thảo

(QNĐT)- Đó là đầu đề cho một chương trình trực tuyến của một tờ báo mạng Việt Nam. Khi nói “bằng đại học thiu” là ngầm ý nói tấm bằng đại học ấy không có giá trị thực tế một khi sinh viên tốt nghiệp đại học dùng nó để xin việc, để được tuyển dụng.
 

TIN LIÊN QUAN


“Thiu” đây không chỉ khả năng học lực của người được cấp bằng, mà chỉ chính giá trị thực tế của tấm bằng đó, nghĩa là giá trị thực tế của chương trình đào tạo mà trường đại học ấy đã và đang giảng dạy.

Dùng từ “thiu” tuy hơi nặng, nhưng đó là một sự cảnh tỉnh đúng đắn và cần thiết. Bởi hiện nay, có không ít trường đại học gọi là “chuyên ngành” ở Việt Nam mà chương trình đào tạo rất chung chung, rất thiếu tính chuyên ngành. Và cái thiếu nhất là không trang bị được những kỹ năng làm việc theo chuyên ngành cho sinh viên của mình.

Ảnh có tính minh hoạ - Internet
Ảnh có tính minh hoạ - Internet


Vì vậy, khi tốt nghiệp ra trường, nhiều sinh viên khi đưa tấm bằng do trường mình cấp ra xin việc, những cơ quan và những người tuyển dụng vừa nhìn thấy tấm bằng của trường A, Y, Z… đó đã… lắc đầu. Sau đó, họ có tiếp tục phỏng vấn sinh viên xin việc hay không còn là một chuyện, nhưng chính ngôi trường đại học mà sinh viên theo học đã mang lại sự thiếu tin tưởng cho những nhà tuyển dụng ngay từ “cái nhìn đầu tiên”.

Người viết bài này hoàn toàn có thể chỉ ra cụ thể tên những trường nào thường bị từ chối như vậy, và có lẽ ban giám hiệu những nhà trường ấy cũng biết thực trạng này, nên tốt hơn là để họ tự hiểu lấy. Nhưng dù họ có hiểu thì cũng không ích gì cho sinh viên của họ, vì khi sinh viên của họ hiểu, mọi sự có thể đã muộn màng.

Sau mấy năm đèn sách, gia đình tốn hàng đống tiền, mà lúc ra trường không thể xin được việc làm do… tấm bằng của “trường đó”, thì thật đau lòng cho sinh viên.

Dĩ nhiên, ở “đầu vào”, những trường này thường lấy điểm thi đại học khá thấp và thí sinh có vẻ rất thoải mái khi nhà trường tỏ ra rất “chiêu hiền đãi sĩ”. Nhưng khi thực học rồi mới biết, những điểm số nhiều khi không thật, những môn học nhiều khi… trên trời và cuối cùng, tấm bằng loại “khá” được trường “nhẹ tay” phát cho sinh viên ở mức đại trà đã khiến họ vừa chưa kịp mừng đã… thất vọng.

Với những nhà tuyển dụng, cái mà họ quan tâm đầu tiên khi phỏng vấn người xin việc không hẳn đã là bằng cấp, mà chính là kỹ năng làm việc. Người lao động chỉ có thể chứng minh rằng mình có chỗ đứng trong công ty hay cơ quan bằng hiệu quả công việc làm cụ thể, chứ không phải với bằng cấp nào.


Người ta nói, những trường đại học “sản xuất bằng… thiu” kia, họ cũng chăm lo xây dựng thương hiệu lắm, chứ không dễ dãi vứt vạ vật tên tuổi trường mình đâu! Có thể như thế. Nhưng “xây dựng thương hiệu” một cách hình thức, bề nổi, không quan tâm gì tới chất lượng đào tạo, mà chỉ quan tâm đến cái… tên trường, thì không thể nói đó là xây dựng thương hiệu thực sự cho một trường đại học.

Cuối cùng, thì những người phải chịu thiệt hại lớn nhất, chính là sinh viên tốt nghiệp những trường đó, với tấm bằng rất bắt mắt, nhưng…thiu ngay khi vừa được cấp. Và nơi “tuyển dụng” nhiệt tình nhất những sinh viên ấy, thường là những… quán cà phê. Họ chấp nhận đi làm ở những nơi đó, với mức lương rất thấp. 


 


.