Đời sống văn hóa cho công nhân: Cần được quan tâm đúng mức

10:07, 28/07/2013
.

(QNĐT)- Làm việc quần quật cả ngày, trở về căn nhà trọ, nhiều công nhân cơm nước xong là ngủ vùi, có người xem ti vi, một số khác tìm đến quán cà phê, quán nhậu hoặc các hình thức giải trí thiếu lành mạnh. Thực trạng này đang diễn ra ở hầu hết các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN
  Nhu cầu vui chơi giải trí và được học tập nâng cao trình độ luôn là nhu cầu bức thiết và chính đáng của nhiều công nhân lao động. Đáng tiếc là vì nhiều lý do, những nhu cầu này của công nhân trong thời gian qua chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức.

Công nhân "đói" sân chơi

Quảng Ngãi hiện có hàng chục nghìn công nhân lao động trong và ngoài tỉnh đang làm việc ở đơn vị, doanh nghiệp và các KCN trong tỉnh. Với số lượng công nhân khá đông nhưng để tìm được một sân chơi theo đúng nghĩa dành cho riêng họ thì không phải là điều dễ dàng.

Thiếu sân chơi, nhiều công nhân lao động sau khi hết giờ làm việc chỉ biết trở về nhà trọ chật hẹp để ngủ vùi hoặc tìm đến quán nhậu, quán cà phê để giết thời gian.

Đến thăm một khu nhà trọ công nhân ở xã Bình Thuận (Bình Sơn) vào ngày chủ nhật, khu nhà trọ có 7 phòng, một vài phòng công nhân đóng cửa về quê, còn lại hơn chục công nhân còn ở lại. Khác với vẻ im lặng của phòng trọ ngày thường, ngày cuối tuần không khí khá sôi nổi. Có phòng, công nhân tụ tập đánh bài, có nơi lại đang tổ chức nhậu cuối tuần…

Anh Nguyễn Thanh Vinh quê ở Thanh Hóa làm công nhân ở KCN Dung Quất cho biết: Ngoài giờ đi làm, hầu như công nhân đều trở về phòng trọ chứ cũng chẳng biết đi đâu, cuối tuần ai nhà gần thì về nhà, xa thì ở lại. Vào chủ nhật, chúng tôi lại tổ chức ăn uống chung cho vui.

 

Công nhân hào hứng với các trò chơi trong Ngày hội công nhân KKT DQ
Công nhân hào hứng với các trò chơi trong Ngày hội công nhân tại KKT Dung Quất.


Căn phòng trọ của anh Vinh chỉ rộng khoảng 10m² nhưng có đến 4 người ở chen chúc, nhìn quanh trong phòng thiết bị để giải trí trong chẳng có gì ngoài chiếc điện thoại có chức năng nghe nhạc.

Chị Huỳnh Thị Mến ở phòng kế bên anh Vinh cho biết: Cả dãy phòng trọ chỉ có một phòng có ti vi, hôm nào về rảnh rỗi có phim hay thì cùng kéo qua xem, còn không thì đi ngủ sớm để lấy sức hôm sau làm việc tiếp.

Thế ở đây cuối tuần mọi người thường làm gì? có tham gia sân chơi gì không?- Chúng tôi hỏi. Chị Mến nhanh nhảu trả lời ngay, thường đối với nữ công nhân thì ngày chủ nhật tranh thủ ngủ nướng, rồi dậy đi chợ, nấu ăn, ăn xong rồi lại ngủ. Với nam công nhân thì ngày nghỉ rủ nhau ra quán cà phê, đánh bài, nhậu nhẹt. Có tiền thì ra quán, ít tiền hơn thì mua đồ về tự làm.

Tình cảnh của anh Vinh, chị Mến không phải là trường hợp cá biệt, mà nó là tình cảnh chung của không ít công nhân lao động hiện nay. Không tivi, không sách báo, không văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Điều này khiến công nhân lao động trở thành một bộ phận dân cư không được hưởng thụ đời sống văn hóa tương xứng với vai trò của họ trong đời sống cộng đồng, dẫn đến tình trạng "đói" văn hóa trở nên khá phổ biến.
 

Phải khẳng định, có một số doanh nghiệp xây dựng được các mô hình, thiết chế văn hóa, giúp cho đời sống công nhân phong phú, lành mạnh hơn. Tuy nhiên đó chỉ là con số quá ít ỏi, chỉ như “giọt nước giữa sa mạc”.

Ông Phạm Hùng- Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Dung Quất cho biết:  Hiện nay, trên địa bàn KKT Dung Quất ngoại trừ các công ty lớn như Doosan Vina, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn... có những sân chơi cuối tuần cho công nhân lao động thông qua các câu lạc bộ, đội, nhóm, còn lại hầu hết các doanh nghiệp khác rất ít quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu giải trí, văn hóa cho công nhân.

"Hằng năm để tạo sân chơi cho công nhân, Ban Quản lý KKT Dung Quất thường xuyên tổ chức từ 17-18 chương trình giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện đến với những hoạt động này, chỉ một số doanh nghiệp lớn có tiềm năng tham gia, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất ít tham gia"- ông Hùng cho hay.

 

Cần có nhiều sân chơi hơn nữa để nhiều công nhân được tham gia
Cần có nhiều sân chơi hơn nữa để công nhân được tham gia.

 

Hiện trên địa bàn KKT Dung Quất, nơi tập trung lượng lao động lớn trên địa bàn tỉnh với trên 11.000 lao động, thế nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi các sân chơi dành cho công nhân quá ít, điều kiện cơ sở vật chất vui chơi đúng nghĩa ở KKT Dung Quất chưa có gì ngoài Trung tâm Văn hóa thể thao.

Thiếu sân chơi, không ai có thể chắc chắn công nhân sẽ không tìm đến những nhu cầu giải trí thiếu lành mạnh. Thực tế xung quanh các khu công nghiệp hay nhà trọ dành cho công nhân, sân chơi thì không có, nhưng quán nhậu, quán cà phê và không ít những loại hình giải trí thiếu lành mạnh thì vẫn đang hiện hữu.

Khó có cơ hội nâng cao trình độ

Trước xu hướng cắt giảm nhân sự của doanh nghiệp, người lao động khó tránh khỏi nguy cơ bị mất việc nếu không chủ động học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn. Trong khi đó, lương thấp, cường độ làm việc cao, lại thiếu sự hỗ trợ từ những “bà đỡ” nên con đường đến lớp của công nhân lắm gập ghềnh.

Nói về chuyện học của mình, chị Lê Xuân Hồng- công nhân ở một doanh nghiệp trong KKT Dung Quất bày tỏ: “Cam go lắm, quả thật, với đồng lương chưa tới 3 triệu đồng/tháng tính tiền nhà trọ, tiền ăn, cùng với các khoản chi tiêu khác thì chẳng dư giả gì. Việc kiếm đủ vài triệu đóng học phí cho mỗi học kỳ học các lớp học liên thông hay học các lớp đào tạo nâng cao... là chuyện quá sức với công nhân.

 
 

"Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hoá giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt quan tâm xây dựng thế hệ công nhân trẻ có học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, có lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành bộ phận nòng cốt của giai cấp công nhân"- Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước"

Thực tế cho thấy, không ít công nhân vì hoàn cảnh, điều kiện gia đình nên phải từ bỏ ước mơ học vấn của mình giữa chừng để đi làm kiếm tiền lo cho cuộc sống, nay muốn được học tập nâng cao trình độ nhưng không dễ.
 
"Gia đình khó khăn nên em đã nghỉ khi đang học lớp 10 và xin đi làm công nhân. Bây giờ muốn đi học lại để sau này có công việc ổn định hơn, nhưng điều kiện học rất khó khăn. Ngoài khả năng tài chính thì thời gian công việc không cho phép. Đi làm cả ngày, không có thời gian để học, trong khi đó muốn học bổ túc văn hóa thì trường ở xa khu nhà trọ, nghỉ thì sợ mất việc"- chị Bùi Thị Thương- công nhân ở KKT Dung Quất cho biết.

Nhiều công nhân khi được hỏi về nhu cầu học, rất nhiều người mong muốn được nâng cao tay nghề, bổ túc văn hóa, cũng có những công nhân muốn học để thoát lao động chân tay. Tuy nhiên, để đi được đến cuối con đường tri thức ấy là sự cố gắng không ngừng nghỉ của nhiều công nhân. Họ không chỉ đối mặt với sự chông chênh của việc học giữa bộn bề cơm áo gạo tiền, mà còn phải hy sinh nhiều thứ để có được một nụ cười mãn nguyện nơi cuối con đường tri thức.


Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hùng- Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Dung Quất cho hay: Khó khăn của công nhân khi đi học là phải sắp xếp thời gian hợp lý trong hoàn cảnh đối diện với áp lực hoàn thành công việc tại công ty. Bên cạnh các công ty tạo điều kiện cho công nhân đi học như thì đa số công ty khác ít ủng hộ công nhân đi học.

Chính những rào cản này đã cản bước và  làm “lụi tàn” đi chính những điều tưởng chừng giản dị nhất: Khát vọng được học hành. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết những công nhân mong muốn có sự chung tay của doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội tạo điều kiện thuận lợi để họ được nâng cao trình độ. Việc học không chỉ nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực mà còn góp phần tạo động lực để công ty phát triển.



Bài, ảnh: Bảo Ngọc


.