Đề Văn quá dễ, thí sinh trút được gánh nặng

12:06, 27/06/2013
.

(QNĐT)- Đề thi môn Văn được đánh giá là quá nhẹ nhàng, không có sự sáng tạo như các địa phương khác.

TIN LIÊN QUAN


Trái với tâm trạng lo âu, buồn bã khi rời khỏi phòng thi môn Toán, nhiều thí sinh tươi cười, một số em vui vẻ tạo dáng trước ống kính phóng viên trước những câu hỏi về đề thi môn Văn. Hầu hết thí sinh tại HĐT trường Lê Khiết, Trần Quốc Tuấn, Lê Trung Đình, số 1 Tư Nghĩa, Số 1 Sơn Tịnh đều có chung nhận xét, đề thi quá dễ.

Trần Đặng Cảm, học sinh trường THCS Nghĩa Thương hồ hởi: “So với đề thi môn Toán thì đề thi môn Văn dễ gấp 10 lần, đề thi nằm trọn trong nội dung ôn tập của chương trình lớp 9. Không khó để học sinh trung bình kiếm được 6-7 điểm”.

Cùng HĐT trường THPT Số 1 Tư Nghĩa, em Nguyễn Trần Hương Diễm cũng nhận xét đề thi Văn quá đơn giản, nội dung trong sách giáo khoa, dạng câu hỏi về bút pháp nghệ thuật, hình thức liên kết đều rất quen thuộc. Em tự tin mình đạt 7 điểm trở lên.

 

Trái
Trái với tâm trạng lo âu, buồn bã khi rời khỏi phòng thi môn Toán, thí sinh trút bỏ được gánh nặng với đề thi môn Văn.



Đề thi có 3 câu với a5 ý. Ở câu 1 (2 điểm), người ra đề yêu cầu thí sinh cho biết 4 câu thơ miêu tả Thúy Vân nằm trong đoạn trích nào của Truyện Kiều và cho biết tác giả đã sử dụng bút pháp nghệ thuật gì để gợi tả vẻ đẹp của Thúy Vân. Với câu này, nhiều thí sinh cho hay chỉ cần 2 phút để hoàn thành vì đã quá quen thuộc.

Ở câu 2a, đề yêu cầu chỉ ra phép liên kết về hình thức trong đoạn văn “Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh- và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi. Anh thứ sáu và cũng tên Sáu”. Nhiều em cho hay đều có cùng câu trả lời là “phép liên kết lặp”.

Còn câu 2b yêu cầu viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5-7 câu), trong đó có sử dụng ít nhất một phép liên kết về hình thức. Gạch chân từ ngữ dùng làm phép liên kết đó. Một số em bộc bạch, giống y chang cô thầy giáo dạy trên lớp.

Một số ít thí sinh bất ngờ với câu 3 (5 điểm) yêu cầu nêu cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long vì thầy cô ôn tập tập trung vào thơ chứ ít đề cập đến truyện ngắn.

Theo các giáo viên dạy bộ môn Văn, đề thi vừa sức với học sinh có học lực trung bình trở lên. Tuy quen thuộc, không mang tính thời sự như các địa phương khác, nhưng cũng phân loại được học sinh khá, giỏi ở Câu 3.

“Rất có khả năng đề tài nghị luận xã hội về một vấn đề, câu chuyện thường nhật, đòi hỏi các em thể hiện chính kiến của bản thân trên tinh thần nhân văn cao cả sẽ có trong đề thi chuyên Văn vào trường THPT Chuyên Lê Khiết vào ngày mai”- cô Nguyễn Thị Hoa- giáo viên bộ môn Văn, trường THCS Nguyễn Nghiêm nhấn mạnh.



Tin, ảnh: Ái Kiều
 


.