Một thời học dưới mưa bom…

03:05, 03/05/2013
.

(QNg)- Năm 1964, vùng giải phóng không ngừng mở rộng. Hệ thống trường lớp được thành lập nhưng thiếu giáo viên giảng dạy nên việc đào tạo giáo viên trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tháng 8/1964, Ban Tuyên huấn Khu 5 cử thầy Tô Uyên Minh về Quảng Ngãi tìm địa điểm để mở trường Trung cấp sư phạm đào tạo giáo viên trung học cho toàn Khu 5.

Vượt qua bao gian khổ của chiến tranh, thầy và trò của trường đã kiên trì bám trường, bám lớp ngay dưới mưa bom, bão đạn.

VÀO RỪNG DỰNG TRƯỜNG:

Ngày ấy, Ba Lương là một xã thuộc Ba Tơ có rừng núi hiểm trở nên được chọn làm nơi xây dựng trường. Điểm trường được chọn có núi rừng vây quanh, phía tây là rừng núi trùng điệp giáp Kon Tum, phía nam có thể qua An Lão (Bình Định) đồng thời chỉ cần băng qua đèo Ải là có thể đến xã Phổ Cường (Đức Phổ) – nơi cung cấp nguồn hậu cần phong phú nên thuận tiện vô cùng.

 

 Thầy Tô Uyên Minh - hiệu trưởng Trường Trung cấp sư phạm Trung Trung Bộ giai đoạn 1964-1967 cùng cuốn hồi kí về những năm tháng gian khổ của thầy và trò.
Thầy Tô Uyên Minh - hiệu trưởng Trường Trung cấp sư phạm Trung Trung Bộ giai đoạn 1964-1967 cùng cuốn hồi kí về những năm tháng gian khổ của thầy và trò.


Xốc ba lô trên vai, thầy Tô Uyên Minh cùng 3 giáo viên khác chia nhau vào rừng để chọn vị trí dựng trường. Gần 150 nam thanh, nữ tú bốn phương tụ hội về đây, phần đông chưa hình dung ra được những thiếu thốn, vất vả. Có người còn mang theo xăng-đan, giày da, một số nữ giáo sinh mang theo cả phấn son. Nhưng rồi, tất cả cùng cuốn vào khí thế chung- băng rừng, cõng mắm, gùi gạo để chung tay dựng trường. Chẳng bao lâu, giữa rừng Ba Lương, một ngôi trường mới mọc lên - mái lá đơn sơ, không có tường, không có giường chỉ có khung nhà để mắc võng.

Đào hầm trú ẩn, dựng bếp Hoàng Cầm, các giáo sinh khóa học đầu tiên của trường đã cùng nhau “đồng cam cộng khổ”, vượt qua mọi thiếu thốn khó nhọc giữa đại ngàn để hoàn thành tốt chương trình học. Vừa học tập, thầy và trò vừa tăng gia sản xuất, phát rẫy làm nương trồng ngô, trồng sắn… Những giáo viên, giáo sinh chưa bao giờ lao động chân tay nặng nhọc, lần đầu tiên phát rẫy khiến đôi bàn tay phồng rộp lên rồi tứa máu. Thế nhưng tất cả đều hăm hở bắt tay vào lao động với tâm niệm “phải làm tất cả những gì làm được, đây là những thử thách đầu tiên trên giảng đường”.

HỌC DƯỚI MƯA BOM

Lớp học ở dưới, quân địch cho máy bay trực thăng quần đảo, phóng rốc-két, bắn đại liên ở trên. Nhưng việc giảng dạy, học tập vẫn diễn ra dưới hầm trú ẩn, ngay dưới làn đạn quân thù. Trong 2 năm (từ 1964-1966), trường liên tục di chuyển vị trí từ Ba Lương, sang Bình Định rồi trở về tây bắc Ba Tơ để đảm bảo bí mật. Nhưng đến năm 1967, cả tây Đức Phổ và Ba Tơ đều nằm trong kế hoạch “tìm và diệt” của Mỹ-ngụy nên thầy và trò của trường lâm vào tình thế nguy hiểm.

Giữa tháng 5/1967, mới tờ mờ sáng thì địch đổ bộ, bao vây trường khiến thầy cô và giáo sinh phải mở đường máu để rút lui. Lúc giặc rút quân, thầy và trò quay trở về thì trường đã bị đốt phá. Trước sự càn quét quá gắt gao của địch, ngày 19/5,  Chi bộ trường họp khẩn cấp, nhận thấy tình hình có nhiều bất lợi, nếu ta vẫn cứ tiếp tục dạy - học, nên quyết định cho trường ngừng hoạt động.  

Mùa xuân 1968, quân ta thực hiện tổng tấn công và nổi dậy trên khắp mọi vùng ở chiến trường miền Nam. Đến 1972, ta thắng lớn trên chiến trường miền Nam. Khu ủy Khu 5 quyết định phục hồi, tái lập trường và tiếp tục chiêu sinh.  Cũng trong những cánh rừng của Ba Tơ, thầy và trò của Trường trung cấp sư phạm Trung Trung Bộ lại tiếp tục sống chung với đói rét, bom đạn uy hiếp để học tập. Thầy Đỗ Việt Trung - cựu giáo sinh của trường chia sẻ: “Vào cuối năm 1973, địch bao vây, chặn đường đi lấy lương thực ở đồng bằng nên suốt 1 tháng trời, thầy trò phải thay cơm bằng củ mì và lá mì. Thiếu ăn, sốt rét hoành hành. Có những lúc tưởng chừng như không thể trụ nổi, nhưng thầy trò vẫn khuyên nhủ nhau cố gắng bám trụ”.

Còn nữ giáo sinh Phùng Thị Thùy, quê ở Tịnh Khê (Sơn Tịnh), thì bị mất một chân sau lần Mỹ ném bom oanh tạc trường. Nhưng khi hòa bình lập lại, cô vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp giáo dục và trở thành một giáo viên ưu tú. Nói về động lực giúp cô vượt lên chính mình, cô Thùy trải lòng rằng, đấy là nhờ vào những năm tháng gian khổ học tập giữa chốn núi rừng đã tiếp thêm cho cô sức mạnh quay trở lại với giảng đường và hoàn thành nốt ước mơ còn dang dở.


Hằng năm, thầy và trò Trường trung cấp sư phạm Trung Trung Bộ năm xưa vẫn đều đặn tổ chức họp mặt giáo sinh cũ. Cái nghĩa tình đậm sâu của thầy trò thời chiến đã níu hàng trăm trái tim khắp mọi vùng miền xích lại gần nhau. Họ gặp nhau để cùng ôn lại những gian khổ, hi sinh thầm lặng ngày trước, gặp nhau để cùng đi tìm mộ và hài cốt của những người bạn, người thầy đã hi sinh...

Bài, ảnh: Ý THU
 


.