Lao động ở nước ngoài bỏ trốn bị phạt tới 100 triệu đồng

03:05, 08/05/2013
.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 100 triệu đồng; người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS có thể phải ký quỹ để hạn chế tình trạng bỏ trốn.

Đây là những giải pháp được đưa ra tại Hội thảo sơ kết công tác triển khai giảm tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước tại 11 tỉnh do Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức chiều 7/5.
Bước đầu đã giảm tỷ lệ bỏ trốn

Theo báo cáo, 11 địa phương có số lượng người lao động hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc nhưng chưa về nước năm 2012-2013 lớn nhất gồm: Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang và Phú Thọ.

Đây cũng là những địa phương có số lượng hồ sơ lao động đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn và đã gửi sang Hàn Quốc nhiều nhất nhưng chưa được phía Hàn Quốc giới thiệu cho chủ sử dụng lựa chọn.

Vì vậy, kết quả vận động số lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước của 11 địa phương này sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của cả nước cũng như vận động Hàn Quốc tiếp nhận lao động mới của Việt Nam.

Công tác tuyên truyền, vận động thông qua các Hội nghị tại 11 địa phương này đã đạt được kết quả bước đầu, thể hiện ở tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp chung của cả nước và từng tỉnh đều đã được kiềm chế và có xu hướng giảm.

Tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước của cả nước từ 57,4% trong quý II/2012 giảm xuống còn 50,7 % trong quý I/2013. Tỉ lệ này của một số tỉnh cũng đã giảm đáng kể như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, giảm từ 7-10%.

Hàn Quốc đã thấy được nỗ lực và quyết tâm của phía Việt Nam đối với việc giảm tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước. Hàn Quốc cũng nhận thấy rõ phần trách nhiệm của chủ sử dụng Hàn Quốc đối với tình hình lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp và có những biện pháp phối hợp để giải quyết vấn đề tổn tại này.

Vừa qua, hai nước đã phối hợp tổ chức 4 địa điểm tư vấn, tuyên truyền tại Uijeongbu, Daegu, Ansan và Incheon cho hơn 3.500 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc để vận động người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng hạn.

Cần chế tài xử phạt quyết liệt

Các địa phương đề nghị các cơ quan Trung ương có chế tài xử phạt nặng đối với người lao động ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, quy định người lao động phải ký quỹ trước khi xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc; kiểm tra giám sát chặt chẽ các cơ sở dạy tiếng Hàn; hỗ trợ kinh phí để khen thưởng đối với các địa phương vận động được nhiều người lao động về nước đúng hạn.

Đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, cập nhật thông tin, báo cáo kịp thời danh sách, số lượng người lao động của tỉnh đã về nước và kết quả thực hiện vận động lao động về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động vào ngày 25 hằng tháng.

Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, Cục sẽ phối hợp với Trung tâm Lao động Ngoài nước và các cơ quan chức năng sớm trình Bộ để Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp, mức phạt lên tới 100 triệu đồng; trình Bộ ban hành quy định tiền ký quĩ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Đồng thời, đề xuất biện pháp hạn chế tuyển lao động đi Hàn Quốc đối với địa phương không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trình cơ quan có thẩm quyền thành lập Văn phòng đại diện của Trung tâm Lao động Ngoài nước để hỗ trợ cho Ban Quản lý lao động trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh và tuyên truyền, vận động lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước đúng hạn sau khi hết hạn hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, đề nghị phía Hàn Quốc thay đổi cách thức chi trả trợ cấp thôi việc, chỉ thực hiện chi trả sau khi người lao động về nước đúng hạn; đề nghị giữ một phần tiền lương của người lao động, chỉ thực hiện hoàn trả sau khi người lao động về nước đúng hạn; tăng cường truy quét và xử phạt lao động bất hợp pháp, có biện pháp xử phạt nghiêm đối với chủ sử dụng lao động bất hợp pháp

Phía Hàn Quốc cũng sẽ thực hiện các chiến dịch truy quét, áp dụng chính sách lao động tự ra trình diện để về nước sẽ được giảm tiền phạt, giảm thời gian cấm nhập cảnh Hàn Quốc.



Theo Thu Cúc/Chinhphu.vn


.