Quảng Ngãi: Nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động

09:04, 25/04/2013
.

(QNĐT)- Năm 2013, tỉnh Quảng Ngãi chủ trương tiếp tục nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động (XKLĐ) từ khâu tuyển chọn, học nghề. Đồng thời, chú trọng phát triển chính sách để tạo điều kiện cho lực lượng ngư dân đăng ký xuất khẩu thuyền viên đi đánh bắt gần, xa bờ ở các nước.

TIN LIÊN QUAN


Hằng năm, tỉnh ta có khoảng 1.200-1.400 lao động đi xuất khẩu ở các thị trường trong khu vực với các ngành nghề: Dệt may, cơ khí, điện tử, xây dựng… và các nghề lao động phổ thông. Với mức lương từ 12 triệu đến vài chục triệu đồng/tháng, hàng nghìn lao động cùng gia đình có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nâng cao chất lượng lao động đi xuất khẩu

Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh vừa khai giảng khóa học đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đưa 95 học viên đi xuất khẩu lao động vào ngày 24/4. Khóa học này đánh dấu quyết tâm nâng cao chất lượng trong đào tạo nghề cho XKLĐ với công tác tuyển chọn đầu vào khá kỹ lưỡng.

Ông Võ Duy Yên- Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: Những năm trước, Trung tâm thường tổ chức dạy nghề chung lớp cho cả 2 đối tượng: Làm việc tại địa phương và đi XKLĐ. Do đó, quá trình dạy nghề, cũng như dạy tiếng còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp. Năm nay, từ nguồn kinh phí của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956), Trung tâm chủ trương mở lớp riêng cho các học viên XKLĐ. Từ hơn 150 hồ sơ, sau khi sàng lọc kỹ, trung tâm đã chọn ra 95 em ưu tú nhất để tham gia khóa học lần này.

Trong số đó, chủ yếu là lao động nông thôn thuộc đối tượng gia đình chính sách, đồng bào miền núi, hộ nghèo, tập trung ở các địa phương Ba Tơ (31 người), Bình Sơn (19 người) và Sơn Tịnh (17 người)… Khóa học là tiền đề để tỉnh ta tiếp tục mở rộng các lớp học chuyên đào tạo cho lao động đi xuất khẩu với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc.

 

Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh đang tập trung đào tạo một số ngành mũi nhọn để đưa lao động đi xuất khẩu ở những thị trường tiềm năng
Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh đang tập trung đào tạo một số ngành mũi nhọn để đưa lao động đi xuất khẩu ở những thị trường tiềm năng.


Học viên Phạm Văn Lĩa ở xã Ba Xa- huyện Ba Tơ bày tỏ: Em tham dự lớp học này với mong muốn sẽ được làm nghề gò hàn tại Nhật Bản. Tại xã Ba Xa, cũng đã có nhiều lao động được đưa đi XKLĐ và đổi đời từ đó. Tốt nghiệp khóa học này sau khi trải qua một số đợt kiểm tra thì em đã nắm chắc cơ hội thoát nghèo nhờ đi XKLĐ.

Điều khác biệt của khóa học lần này chính là tuyển chọn từ những học viên đã tham gia lớp học tiếng Nhật, Hàn, Malaysia trước đó để tiếp tục học nghề. Đồng thời, tập trung đào tạo những nghề mũi nhọn mà các nước đang có nhu cầu cao như: may công nghiệp, gò hàn, xây dựng và cơ khí.

Ông Võ Duy Yên cho biết thêm: Chúng tôi chú trọng đào tạo ngoại ngữ trước để nắm chắc cơ hội cao đi XKLĐ cho các học viên, tránh trường hợp bị trả về. Trong quá trình học nghề, các học viên lao động nông thôn sẽ được tiếp tục kiểm tra kiến thức về ngoại ngữ, cùng với việc thụ hưởng các ưu đãi như: miễn học phí, được cấp chi phí ăn ở, đi lại theo quy định…

Với cách thức đào tạo nghề và ngoại ngữ như khóa học trên, chất lượng lao động đi xuất khẩu sẽ tăng lên rất nhiều. Đồng thời, số lượng lao động có cơ hội tham gia ở những thị trường tiềm năng sẽ không dừng lại ở con số 95 trong năm 2013.

Nắm cơ hội tiếp cận các kỹ thuật hiện đại

Không chỉ chú trọng đào tạo nghề và XKLĐ cho lao động nông thôn, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang chú trọng đến công tác xuất khẩu thuyền viên, trao cơ hội làm giàu cho ngư dân. Từ 2010 đến nay, tỉnh ta có 180 ngư dân ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Đức Phổ được đưa đi đánh bắt gần bờ ở thị trường Hàn Quốc với mức lương 20-25 triệu đồng/tháng.

 

Xuất khẩu thuyền viên không chỉ nhằm giúp ngư dân thoát nghèo mà còn học hỏi kinh nghiệm đánh bắt hiện đại từ nước ngoài
Xuất khẩu thuyền viên không chỉ nhằm giúp ngư dân thoát nghèo mà còn học hỏi kinh nghiệm đánh bắt hiện đại từ nước ngoài


Ngư dân Trần Văn Cảnh ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu vừa trở về sau 5 năm lao động tại Hàn Quốc cho biết: Ngày trước, vì không có ngư lưới cụ, không có tàu nên cuộc sống gia đình gồm 5 người của tôi khá bấp bênh. Nhưng từ khi đi XKLĐ, năm nào tôi cũng gửi về gia đình số tiền khoảng 120 triệu đồng. Đến nay, tôi đã gầy dựng được nhà cửa khang trang, cùng với một số vốn kha khá để đóng tàu mới tiếp tục vươn khơi.

Không chỉ mang lợi ích về kinh tế, kinh nghiệm đánh bắt hiện đại của nước ngoài cũng giúp ích nhiều cho ngư dân sau khi trở về nước. “Cùng họ làm việc mới thấy, phương pháp đánh bắt của mình còn kém hiệu quả lắm. Qua vài năm làm việc ở nước ngoài, tôi cũng học được kha khá những kinh nghiệm đánh bắt hiện đại, hiệu quả để về áp dụng tại địa phương”- anh Cảnh phấn khởi nói.

Việc ngư dân xuất cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao đã là điều không thể chối cãi. Tuy nhiên, so với nhu cầu trong toàn tỉnh, số lượng ngư dân đi XKLĐ vẫn còn khá hạn chế vì nhiều lý do như: Vốn vay, tâm lý e ngại học ngoại ngữ, chưa tiếp cận được thông tin…

Mới đây,  Đoàn công tác của Cục Quản lý lao động ngoài nước đã về Quảng Ngãi để nghiên cứu việc xây dựng chính sách xuất khẩu thuyền viên đi đánh bắt gần, xa bờ tại Nhật Bản, Hàn Quốc… Bà Hoàng Kim Ngọc- Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH) cho biết: Những năm qua, chúng tôi chỉ mới khai thác đưa đi XKLĐ cho ngư dân ở các địa phương: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Quảng Ngãi có nguồn lao động nghề biển dồi dào nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Đề án xuất khẩu ngư dân sẽ giúp thay đổi thực trạng này.

Ngoài mức thu nhập từ 400-1.000 USD/tháng, ngư dân tham gia XKLĐ còn được học hỏi, tiếp cận với phương pháp đánh bắt khoa học, hiện đại. Đây chính là mục đích sâu xa của Đề án xuất khẩu thuyền viên cho ngư dân vùng ven biển, hải đảo- Đề án sắp được triển khai rộng rãi tại tỉnh ta.
 

 

Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.