Ôn thi tốt nghiệp: Mỗi môn cần có phương pháp ôn tập khác nhau

08:04, 16/04/2013
.

Sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Thùy Dung chia sẻ phương pháp ôn tập và làm bài thi giúp bạn trở thành thủ khoa khối D của trường trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012:

 


Với môn tiếng Anh, để làm tốt đề thi ĐH trước hết cần nắm chắc ngữ pháp. Khi làm đề, mình thường lưu ý các cấu trúc, cụm từ mới, hay các dạng bài viết lại câu, đọc hiểu …; ghi nhớ những phần tự học chưa thực sự hiểu để trao đổi với các bạn trên lớp. Khi làm bài thi, thường làm các bài tìm lỗi sai, câu mang nghĩa tương tự…, nói chung là chọn những câu dễ để làm trước. Bài đọc hiểu mình chọn làm sau cùng vì dạng bài này cần nhiều thời gian, cần phải suy nghĩ thật kĩ.


Môn Toán, ngoài việc tập trung nghe giảng bài, chỗ nào chưa hiểu hỏi ngay thầy cô hoặc bạn bè; nên tạo thói quen ghi chú hoặc đánh dấu những điểm dễ sai hoặc gây nhầm lẫn để lần sau không lặp lại. Khi ôn tập tại nhà, mình có thói quen tự tổng hợp kiến thức lý thuyết thành từng chuyên đề riêng, kèm theo cuốn sổ ghi chép những mục cần chú ý. Sau đó, sưu tầm các đề thi của các năm trước để làm. Đầu tiên, mình làm đề thi ĐH của những năm trước, sau đó là đề thi thử ĐH của các trường THPT khác trong và ngoài tỉnh sưu tầm được ở trên mạng, hoặc các đề mượn từ các bạn hay được thầy cô cung cấp.

Khi vào phòng thi, phải ăn chắc các bước làm của từng dạng bài, câu dễ làm trước ví dụ như: khảo sát hàm số, lượng giác, tích phân… làm câu nào phải chắc ăn câu đấy, đặc biệt là những câu dễ. Do là môn tự luận nên đòi hỏi trình bày tốt nên sau khi làm xong bài nên kiểm tra lại thật kỹ những đã làm trước để ăn điểm, sau đó mới bắt tay vào làm câu điểm 10.

Với môn Văn, từ THCS mình đã có thói quen mua sách giáo khoa trước năm học một thời gian để đọc hết các tác phẩm, nên khi vào học chính thức việc nắm được nội dung của tác phẩm sẽ dễ dàng hơn. Theo kinh nghiệm bản thân, khi học Văn qua việc nắm rõ nội dung của mỗi tác phẩm rất quan trọng (phần đóng khung cuối mỗi tác phẩm trong sách giáo khoa), cùng với đó là thông tin về tác giả, hoàn cảnh sáng tác và đôi nét về nghệ thuật nữa.

Khi ôn tập tại nhà, ngoài việc đọc thêm các sách tham khảo, mình thường tự hệ thống các tác phẩm gồm các mục như tác giả, tác phẩm, nội dung chính của tác phẩm và nghệ thuật đặc sắc của chúng. Về văn nghị luận, trước hết cần nắm rõ các bước làm bài. Kinh nghiệm của mình với dạng bài này là nên tham khảo nhiều tác phẩm trên internet để có nguồn luận chứng, luận cứ phong phú, đồng thời học được những cách viết văn hay.

Trước khi vào phòng thi nên để tâm lý thoải mái, không nên có nhồi nhét kiến thức, với môn Văn cũng vậy, đặc biệt đây thường là môn thi đầu tiên, ảnh hưởng đến tâm lý những bài thi sau. Thêm một kinh nghiệm nữa, không phải cứ văn dài là hay, quan trọng là đủ ý và trình bày mạch lạc, rõ ràng. Bài văn của mình chỉ trọn vẹn trong 2 tờ giấy nhưng vẫn được 8 điểm.



Hiếu Nguyễn/Báo GDTĐ


.