Ngày Quốc tế Lao động 1/5: Khẳng định vị thế của giai cấp công nhân

10:04, 30/04/2013
.

(QNĐT)- Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là một sự kiện có ý nghĩa không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới bởi nó khẳng định, bảo vệ và tôn vinh các lợi ích chính đáng của người lao động, cổ vũ họ đoàn kết, sát cánh bên nhau đấu tranh cho sự công bằng, chính nghĩa. Đó cũng chính là lý do và ý nghĩa của việc ra đời Ngày Quốc tế Lao động.
 
Trong “Lời kêu gọi” viết khi Quốc tế I thành lập năm 1864, Karl Marx (1818-1883) đã nói nhiều đến vấn đề rút ngắn thời gian lao động trong ngày. Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế họp ở Geneva tháng 4-1864 đã coi việc đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ là nhiệm vụ trước mắt. Tại Đại hội Quốc tế họp ở London, Eugène Dupont, người đại diện cho Karl Marx, đã đưa ra một dự thảo nghị quyết đòi thực hiện ngày làm việc 8 giờ.
 
Những công nhân viên chức Anh di cư sang Mỹ làm ăn đã mang sang nước này phong trào đấu tranh đòi làm việc 8 giờ trong một ngày. Phong trào phát triển mạnh ở Mỹ từ năm 1827 cùng với sự phát triển của phong trào công đoàn. Năm 1868, nhà cầm quyền Mỹ buộc phải chịu thông qua đạo luật ấn định ngày làm việc 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc chính phủ, nhưng ở các xí nghiệp tư bản vẫn buộc công nhân làm việc 11-12 giờ một ngày.

Bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Lao động do Liên Xô phát hành ngày 25-3-1989
Bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Lao động do Liên Xô phát hành ngày 25-3-1989

 

Năm 1884, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không kiếm cớ chối từ.

 
Ngày 1/5/1886, khắp nơi công nhân đã bãi công, biểu tình, đưa ra yêu sách đòi cải thiện điều kiện lao động, thực hiện chế độ ngày làm việc 8 giờ. Ở những nơi như Miami, Chicago, công nhân đã bị nhà cầm quyền đàn áp đẫm máu, nhiều người bị chết, bị bắt và bị cầm tù. 5.000 cuộc bãi công với hơn 340.000 công nhân tham gia nổ ra khắp nước Mỹ. 12 vạn rưỡi công nhân ở một số thành phố như New York, Washington, Baltimore… đã giành được quyền làm việc 8 giờ ngay trong ngày hôm đó. Báo cáo của Liên đoàn Lao động Mỹ xác nhận “Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một cuộc nổi dậy toàn diện trong quần chúng công nghiệp như vậy”.
 
Ngày 20/6/1889, ba năm sau "thảm kịch" tại thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản lần II nhóm họp tại Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của Frederic Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
 
Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của Lê Nin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.
 
Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày l/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội.
 
Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục ngàn người đã diễn ra ở khu Đấu Xảo Hà Nội với sự tham gia của 25 ngành, giới: thợ hoả xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo...
 
Đây là cuộc mit-tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939), một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo của Đảng ta.
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, được thử thách qua khói lửa của các cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân, đế quốc giành lại độc lập, tự do cho dân tộc và cũng là lực lượng nòng cốt trong thực hiện công cuộc đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế so với yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế. Trước hết, tuy phát triển mạnh về số lượng nhưng trình độ của người lao động ở nước ta vẫn rất thấp. Số lượng người lao động qua đào tạo những năm gần đây có xu hướng tăng nhanh, nhưng so với yêu cầu vẫn còn một khoảng cách rất xa.
 

 

Nghị quyết 20/NQ-TƯ Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương Đảng (khóa X) năm 2008 về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước" nêu rõ: "Sự phát triển của giai cấp công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần công nhân từ nông dân, chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống".

 
Vì vậy để xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hướng tới mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trước hết đòi hỏi mỗi công nhân lao động cần phải ý thức rõ tính giai cấp, vai trò "đầu tàu" trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, từ đó nỗ lực vươn tới mục tiêu làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật, có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cao. Phải xây dựng được một đội ngũ giai cấp công nhân có mặt bằng tri thức ngang tầm với sự phát triển của nền sản xuất đại công nghiệp, tạo đà cho các giai đoạn phát triển cao hơn.
 
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và tổ chức công đoàn cần có sự quan tâm thiết thực về nơi ăn chốn ở, cải thiện điều kiện làm việc và đời sống, nâng cao thu nhập, học vấn, tay nghề… để công nhân lao động có thể an tâm về tư tưởng, đồng thời xây dựng nền móng vững chắc tạo nên sức bật mới cho giai cấp công nhân Việt Nam để xứng tầm với sứ mệnh và trách nhiệm vẻ vang trong tiến trình phát triển của đất nước.
 
 
H.Thịnh

.