“Choáng“ vì chương trình học

08:03, 30/03/2013
.

(QNg)- Bắt đầu từ năm học 2013, Bộ GD-ĐT yêu cầu không cho điểm học kỳ đầu của lớp 1. Mục đích là để các cháu mới vào lớp 1 không bị quá căng thẳng vì điểm số. Mới nghe thì chủ trương này có vẻ hợp tình hợp lý. Nhưng nếu cô giáo không cho điểm học sinh lớp 1 ngay học kỳ đầu thì làm sao đánh giá được các cháu tiếp thu bài học ra sao? Điểm, chẳng qua cũng là để đánh giá việc tiếp thu bài vở của học sinh, đồng thời nhằm kích thích tinh thần ham học, tranh đua nhau học.

Đúng là từ nhiều năm nay, nếu trước khi vào lớp 1 các cháu không học trước chương trình, thì sẽ rất vất vả ngay ở học kỳ đầu lớp 1. Nếu Bộ GD&ĐT muốn bài trừ chuyện “học trước” bằng giải pháp không cho điểm học sinh ở học kỳ đầu lớp 1, thì giải pháp ấy không giải quyết được căn cơ “vấn nạn” học sinh lớp 1 “choáng” trước chương trình học.

Tôi có đứa cháu nội đang học lớp 1. Mỗi buổi sáng, nhìn cháu vất vả kéo lê chiếc ba lô đựng sách vở nặng không dưới 3-4 kg,

tôi đã đánh giá được ngay “độ nặng” của chương trình cháu phải học hàng ngày. Đó là chương trình quá nặng cả nghĩa đen và nghĩa bóng, mà nếu không được học thêm, học trước, các cháu rất khó “tải” nổi. Ở trường lớp, cô giáo dạy rất nhanh. Không thể trách cô, vì cô phải bảo đảm tiến độ bài giảng, tiến độ chương trình. Còn học sinh tiếp thu được bao nhiêu phần trăm từ bài giảng có “tốc độ cao” như thế, lại là chuyện khác.
Vấn đề nằm ở chương trình học, chứ không ở cách dạy hay cách học.

Ngày con tôi vào lớp 1, cách đây đã 30 năm, cháu không cần phải học thêm hay học trước, mà vẫn tiếp thu bài vở tốt. Đơn giản, vì chương trình hồi ấy khá nhẹ nhàng. Nếu so với chương trình học lớp 1 bây giờ, sau bao nhiêu lần “cải cách”, thì chương trình cách đây 30 năm hợp lý hơn rất nhiều, dễ tiếp thu cho học sinh lớp 1 hơn rất nhiều.

Lớp 1 thì vẫn là lớp 1. Không cần phải vội vã nhồi nhét quá nhiều kiến thức cho tuổi lên 6, là tuổi “ăn chơi” như “búp trên cành”, chứ không phải là tuổi “tích hợp kiến thức”.

Có một nhà toán học đã nói rất chí lý, là với kiến thức toán vi phân, tích phân đưa ra dạy ở bậc phổ thông trung học, học sinh có thể cả đời không phải dùng đến, nếu không đi chuyên sâu vào toán học. Dĩ nhiên, không phải bất cứ kiến thức nào học ở nhà trường đều được áp dụng rốt ráo trong đời sống. Nhưng nếu chỉ “học cho vui” mà khiến học sinh quá vất vả như thế, liệu chương trình phổ thông có mang lại những kiến thức thiết thực cho học sinh?

Tôi phải thú nhận rằng, thời học phổ thông, chương trình toán tôi học không hề có toán cao cấp như vi phân, tích phân. Bây giờ đã già, tôi vẫn chưa có hân hạnh biết toán vi phân, tích phân là thế nào. Nhưng liệu đó có là sự thiếu hụt kiến thức của cá nhân tôi, hay của cả thế hệ tôi? Tôi không nghĩ như vậy.

Với chương trình phổ thông, nên trang bị cho học sinh những kiến thức thiết yếu và bình dị, nhằm mở đường cho các em có điều kiện đi xa hơn, sâu hơn vào “biển kiến thức” mênh mang của nhân loại.

Nếu khởi đầu tốt, “đầu xuôi” thì nhiều khả năng là “đuôi sẽ… lọt”. Còn nếu “dạy vỗ mặt” các cháu lớp 1 hay cấp 1 bằng những kiến thức “hoành tráng” nhưng ít hữu dụng, thì những “cơn choáng” các cháu “tích hợp” ngay từ lớp 1 hay cấp 1 sẽ theo các cháu suốt những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Học mà choáng, thì học làm sao?  Học làm gì?            
      

Thanh Thảo
 


.