Nặng trĩu ước mơ bám đảo...

01:01, 06/01/2013
.

(QNg)- "Thu hút trí thức trẻ về Lý Sơn bây giờ không phải là chuyện khó khăn như trước nữa, do nguồn nhân lực dồi dào" - lãnh đạo huyện đảo này bảo thế. Vì vậy, sinh viên ra trường, dù là con cháu tiền nhân khai lập và giữ đảo hay những tri thức trẻ ngoài địa bàn có nguyện vọng ra đảo công tác bám trụ lập nghiệp nhưng nơi nào cũng kêu: Hết chỗ!...

 Khát vọng tìm việc

Trương Đình Toản sinh ra và lớn lên tại thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn). Hai tuổi, Toản bị liệt hai chân - hậu quả của một trận sốt bại liệt. Thế mà đúng tuổi, Toản đã "lết" trên chiếc ghế nhỏ thay đôi chân đến trường. Nhờ ý chí nghị lực phi thường và tình yêu thương, sự động viên, quan tâm của cha mẹ, Toản đã nỗ lực tập luyện và cuối cùng ước mơ "tự mình bước đi trên đôi chân của mình" đã thành hiện thực. Từ khi Toản đi được, ngày ngày ngoài giờ học, Toản lên núi đập đá thuê, nhổ hành tỏi kiếm tiền phụ mẹ mua tập vở, bút mực. Toản rất chăm học, 12 năm phổ thông, năm nào cũng là "học sinh nghèo hiếu học".

 

Sinh viên hiếu học Trương Đình Toản mong mỏi có việc làm mà vẫn chưa tìm được!
Sinh viên hiếu học Trương Đình Toản mong mỏi có việc làm mà vẫn chưa tìm được!


Một chân trời mới ngỡ đã mở ra với Toản khi cậu thi đỗ vào Trường đại học Phạm Văn Đồng. Thầy cô và bè bạn khuyên Toản nên chọn ngành tin học - văn phòng sẽ phù hợp với sức khỏe của mình hơn. Thế là, Toản đăng ký Tin học-văn phòng hệ trung cấp. Ra trường, Toản trở về đảo Lý Sơn và "gõ cửa" tìm việc. Nhưng cánh cửa hy vọng  có việc làm ở huyện đảo chưa một lần mở ra đối với cậu học trò khuyết tật hiếu học này khi đã hơn 1 năm trời, qua nhiều "cửa ải" vẫn chưa có cơ quan nào gọi tên em...

"Em chỉ mong ước được nhận làm một nhân viên văn phòng cấp xã ở huyện đảo Lý Sơn để có cơ hội kiếm sống nuôi thân và đỡ uổng phí bao năm đèn sách. Dù đôi chân không khỏe mạnh nhưng em có thể làm việc như một người bình thường" - Toản nói.

"Cung vượt quá cầu" ?

Dự lễ vinh danh "Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học" tỉnh Quảng Ngãi lần thứ III - năm 2012, bên cạnh niềm hân hoan, không ít ông bố bà mẹ có con "hiếu học" thở dài khi con cái miệt mài đèn sách mà ra trường chưa tìm được việc làm. Huyện đảo Lý Sơn có hai dòng họ Đặng và Phạm nổi tiếng hiếu học cũng không tránh khỏi sự nhọc nhằn tìm việc cho con cháu khi chúng ra trường. Hầu hết đều phải lập nghiệp ở xứ khác bởi "bộ máy ở đảo đã kín chỗ rồi".

Theo lãnh đạo huyện Lý Sơn, bộ máy hành chính của huyện bây giờ không còn chỗ trống. Số lượng định biên nhiều năm rồi không tăng, lại chưa có ai đến tuổi nghỉ hưu nên không thể nhận thêm người. Ông Bí thư Huyện ủy Võ Xuân Huyện nhẩm tính: "Thời gian tới có 4 cán bộ đến tuổi nghỉ hưu, nhưng hiện tại đã có 4 hợp đồng chờ sẵn. Bây giờ muốn nhận người vào phải chờ tỉnh phân bổ thêm biên chế mới". Trong đợt tổ chức nhận hồ sơ thi tuyển công chức của tỉnh mới đây, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, có cả loại khá, giỏi lặn lội vào Sở Nội vụ mua hồ sơ dự thi. Thế nhưng họ đành buồn bã vượt biển trở về nhà vì "nhu cầu huyện không tuyển ngành mà anh, chị học".

Buồn nhất trong số ấy là vợ chồng anh bộ đội hải quân Trịnh Đình Quý. Trịnh Đình Quý hiện là chính trị viên Trạm Rada 550 đóng quân trên đỉnh núi Thới Lới (Lý Sơn). Quý quê ở Quảng Trị, sau khi tốt nghiệp hai đại học loại giỏi chuyên ngành quân sự, ra trường tình nguyện về công tác ở đảo Lý Sơn, được phân công làm chính trị viên Trạm Rada 550. Vợ Quý là Thảo theo chồng ra đảo, với ước mơ cùng chồng bám đảo góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương. Thảo tốt nghiệp đại học chuyên ngành du lịch loại giỏi và có ước vọng thi công chức xin về huyện đảo Lý Sơn công tác để được ở gần chồng. Thế nhưng do nhu cầu của huyện không có chuyên ngành này nên đành "vác hồ sơ" về đảo.

Về đâu, những trái tim nhiệt huyết?

Sự học bây giờ đã thuận lợi hơn trước nhiều. Thế nhưng ở đất đảo chuyện học và học lên cao không phải nhà nào cũng lo nổi cho con cái, bởi vẫn còn nhiều cách trở. Học đã khổ, ra trường xin việc lại muôn vàn khổ ải hơn. Nhiều sinh viên quê Lý Sơn sau khi ra trường đành phải "dạt" đi nơi khác.

Bao sinh viên học hành đến nơi đến chốn, quê ở đảo hay thực tế đã có hộ khẩu ở đảo khát khao cống hiến, nhưng không xin được việc làm trong cơ quan công quyền ở Lý Sơn đang là một thực tế. Nhưng ở huyện đảo này cũng có một thực tế khác mà cần phải nhìn thẳng, nói thật là dù "đủ về số, nhưng bộ máy công quyền hiện tại vẫn chưa chuẩn về lượng". Bởi thế, việc "giữ và dụng" những trí thức trẻ này là việc nên làm, để thiết thực "tăng lực" cho bộ máy chính quyền ở đây, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
  
 


.