Nâng cao chất lượng giáo dục: Nhìn từ phương pháp mới

02:01, 02/01/2013
.

(QNg)- Trường THCS Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) là một trong những trường được đánh giá cao trong áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.  

Trường THCS Nghĩa Lâm thuộc "vùng xa" của huyện Tư Nghĩa. Thế nhưng ở đây phương pháp dạy và học được "cách tân" thuộc tốp đầu trong hệ thống các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Chất lượng dạy và học được nâng cao đáng kể từ sự "cách tân" này. Thầy giáo Nguyễn Hữu Lộc-Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Lâm cho hay, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của trường chiếm 41% tổng số học sinh. Số lượng học sinh yếu kém giảm đáng kể. Trên địa bàn xã không có học sinh bỏ học giữa chừng.

 

Giáo viên Trường THCS Nghĩa Lâm truyền đạt kiến thức thông qua bản đồ tư duy.
Giáo viên Trường THCS Nghĩa Lâm truyền đạt kiến thức thông qua bản đồ tư duy.


Trường THCS Nghĩa Lâm được "thổi luồng gió mới" kể từ năm 2009 khi được Tổ chức hợp tác phát triển và hỗ trợ phát triển vùng Fla-măng, vương quốc Bỉ (gọi tắt VVOB) trang bị cho phương pháp quản lý và giáo dục hiện đại. Hiệu trưởng được tăng cường năng lực quản lý, từ việc lập kế hoạch tổ chức, quản trị trường học, cho đến đánh giá giáo viên và chất lượng học sinh, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh… Thầy và trò nhà trường được tiếp cận phương pháp dạy và học hiện đại thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng bản đồ tư duy, dạy học dựa trên giải quyết vấn đề và đổi mới phương pháp đánh giá năng lực học sinh.

Chúng tôi có dịp chứng kiến tiết dạy học áp dụng bản đồ tư duy ở Trường THCS Nghĩa Lâm. Cả thầy và trò đều tỏ ra thích thú đối với phương pháp mới này. Tính chủ động tư duy, sáng tạo của học sinh được phát huy trong giờ học. Em Phạm Lê Nhã Ý (HS lớp 8A) tâm sự: "Học theo phương pháp bản đồ tư duy rất dễ hiểu và dễ thuộc bài. Học thuộc bài theo cách vẽ bản đồ không phải tốn nhiều thời gian học bài giống như học thuộc bài văn như trước đây".

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Vương (dạy môn Sinh học), nhận xét: "Dạy học bằng bản đồ tư duy giúp cô đọng kiến thức, học sinh dễ hiểu.  Học sinh được phát huy tính sáng tạo, độc lập suy nghĩ để tìm ra kiến thức của bài mới. Không như trước đây, giáo viên vạch ra trước nội dung của bài học mới, không lôi cuốn học sinh". Theo thầy giáo Vương, với phương pháp giáo dục mới có khoảng 80% học sinh tiếp thu tốt kiến thức, phương pháp cũ chỉ ở con số 50%. Đối với việc đánh giá năng lực học sinh, hiệu trưởng Nguyễn Hữu Lộc cho biết, giáo viên được trang bị kỹ năng cần thiết để đánh giá học sinh dựa trên bối cảnh tiếp cận năng lực, kết hợp giữa định tính và định lượng.  

Thúc đẩy hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ "Giáo dục và đời sống" (do hội phụ nữ chủ công) cũng là cách làm hay ở xã Nghĩa Lâm để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Gia đình, nhà trường và xã hội cùng "xắn tay áo" chăm lo cho công tác giáo dục. Bố mẹ đồng hành cùng con trong học tập, giúp con xây dựng thời khóa biểu, góc học tập, tạo mọi điều kiện thuận lợi để con học tập tốt…

Ông Huỳnh Hậu-Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) nhận định, chất lượng giáo dục ở Trường THCS Nghĩa Lâm được nâng cao đáng kể với phương pháp giáo dục hiện đại. Phương pháp mới này cần được đẩy mạnh ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiệu quả giảng dạy".  


Bài, ảnh: Phương LÝ
 


.