Trung tâm dạy nghề của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh:
Điểm nối đào tạo nghề cho nữ lao động nông thôn

02:11, 18/11/2012
.

(QNg)- Nữ lao động nông thôn ở tỉnh ta chiếm số lượng khá đông và chủ yếu là lao động phổ thông. Sau nông vụ, nữ lao động nông thôn thường không kiếm được việc làm ổn định. Việc làm vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho việc đào tạo nghề. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm dạy nghề thuộc Hội LH phụ nữ tỉnh là đào tạo nghề cho lao động nữ gắn với việc ổn định và tăng thu nhập cho chị em.  


Những năm gần đây, tình trạng nữ lao động nông thôn  “Nam tiến” để tìm kiếm việc làm diễn ra rất phổ biến. Tuy nhiên, ở những khu, cụm công nghiệp phía Nam, lao động nữ chỉ thực sự có thu nhập ổn định khi có tay nghề. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân dẫn đến mức thu nhập thấp của các hộ gia đình nông thôn. Thu nhập bình quân của các vùng nông thôn chỉ bằng 1/3 thu nhập ở khu vực thành thị. Vô hình chung, đó chính là lực ''đẩy'' hàng triệu lao động nông thôn trong đó có lao động nữ, chuyển tự phát đến các vùng đất giàu tiềm năng hay dồn về các đô thị tìm việc làm.


Tuy nhiên, mức lương của một lao động phổ thông chỉ đủ trang trải cho việc mưu sinh hàng ngày nơi đất khách. Thậm chí, một số lao động không có đủ chi phí để hàng năm về thăm nhà vào dịp tết. Song họ vẫn không muốn về nhà, đơn giản vì “về nhà cũng không có việc gì làm” - bà Trịnh Thị Thiện quê ở Mộ Đức có 2 người con gái vào Nam làm việc nhiều năm nay cho biết. Lao động nông thôn luôn ở thế bị động khi tham gia tuyển dụng tại các đơn vị, doanh nghiệp vì người lao động nông thôn không hề được qua một lớp đào tạo nào để trở thành công nhân - dẫu họ có nguyện vọng. Họ cũng thường gặp những cản trở như quá tuổi tuyển dụng, trên 70% lao động thuần nông chưa qua đào tạo nghề, thiếu tác phong công nghiệp... khiến họ chán nản, tự ý bỏ việc, công việc thường không ổn định.

Trên cơ sở xác định  nhu cầu của các đối tượng phụ nữ, khai thác lợi thế của địa phương, trong những năm qua Trung tâm dạy nghề của Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều lớp học nghề phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng nên đã thu hút rất đông học viên là nữ lao động nông thôn đến học. Nhiều ngành nghề được chị em lựa chọn tham gia như: Kỹ thuật chế biến món ăn, may dân dụng và công nghiệp, phòng chống dịch cho gia súc, trồng rau an toàn, chăm sóc hoa cây cảnh... Riêng đối tượng chính sách, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào dân tộc thiểu số, con em gia đình chính sách, trung tâm đã có nhiều chế độ miễn, giảm học phí...

Riêng trong năm 2012, trung tâm dạy nghề của Hội đã tổ chức 11 lớp dạy nghề cho lao động nữ nông thôn thuộc nhiều đối tượng ở các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, Nghĩa Hành… Không chỉ vậy, thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về Phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” năm 2012 từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, Trung tâm dạy nghề của Hội LHPN tỉnh được phân bổ 180 chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các huyện với nhiều ngành nghề khác nhau.

Để nâng cao uy tín, hiệu quả và tính bền vững của công tác đào tạo, thực hiện phương châm ''Đào tạo gắn với giải quyết việc làm", lãnh đạo trung tâm luôn quan tâm đến hoạt động giới thiệu, tư vấn cho học viên tìm kiếm việc làm sau khoá học. Bằng các giải pháp như hướng dẫn chị em học viên thành lập tổ hợp dịch vụ ở một số ngành nghề được học, đồng thời liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp nắm thông tin tuyển dụng lao động Trung tâm đã chủ động giới thiệu việc làm cho học viên. Đối với nhóm nghề nông – lâm – ngư nghiệp để phát huy hiệu quả cao nhất trong việc giải quyết việc làm sau đào tạo nghề, ngoài việc ứng dụng những phương pháp, kỹ năng, kiến thức đã học vào chăn nuôi, sản xuất tại địa phương, Trung tâm dạy nghề đã tư vấn cho Hội LHPN huyện, xã tham mưu với địa phương thành lập các câu lạc bộ để người dân có thể tham gia và cùng chia sẻ, tuyên truyền cho nhau những kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo nghề nhưng Trung tâm dạy nghề của Hội LHPN tỉnh đã trở thành “điểm nối” không thể thiếu trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực hiện đạt chỉ tiêu hàng năm về đào tạo nghề và tư vấn nghề cho 1.500 lao động nông thôn góp phần nâng số lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 là 45%.    

     
   Bài, ảnh: Vũ Yến
 


.