Phần thưởng cao quý

09:11, 23/11/2012
.

(QNĐT)- Cô giáo Trần Thị Thu Thủy-Phó hiệu trưởng Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh, người vừa được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, bộc bạch: “Hết mình cho trẻ là mục tiêu phấn đấu. Cố gắng để xứng đáng với vai trò, để rồi nhìn lại cuộc đời thấy vui và hạnh phúc”.
 

TIN LIÊN QUAN

 Trong số rất nhiều lời chúc mừng gởi đến cô giáo Trần Thị Thu Thủy nhân dịp cô vừa đón nhận phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước, có những lời chia vui ngọng nghịu, những nụ hôn thắm thiết và cái nắm tay thật chặt của các em học sinh khuyết tật. Điều này khiến cô giáo Thủy vô cùng xúc động.

 

Phút giây nồng ấm tình thương giữa cô giáo Thủy và học sinh.
Phút giây nồng ấm tình thương giữa cô giáo Thủy và học sinh.


Suốt chục năm qua, trong quãng thời gian gắn bó với những học trò “đặc biệt”, cô giáo Thủy thường đẫm lệ. Cô khóc vì quá thương học trò, thương các em chịu số phận bất hạnh và khóc vì quá đỗi vui mừng khi chứng kiến sự tiến bộ của các em.   

Cô giáo Thủy nấc nghẹn trong câu chuyện kể về những học trò “đặc biệt” của mình. “Xấu hoắc… xấu hoắc”, câu nói không tròn tiếng cùng ánh mắt không thiện cảm của học sinh thiểu năng trí tuệ “dành” cho Phó hiệu trưởng Trần Thị Thu Thủy trong ngày đầu nhập học khiến cô nhớ mãi.

Có lần, gặp cô giáo Thủy, một học trò bị thiểu năng trí tuệ hồn nhiên bảo: “Cô giáo Thủy đẹp trai quá ta”. Có lẽ cô giáo Thủy chẳng thể nào quên lời ngợi khen này của học trò. Chính sự hồn nhiên và thiệt thòi của trẻ khiến cô không ngừng nỗ lực với mục tiêu giúp các em phát triển tối đa khả năng để hòa nhập cộng đồng.      

Từ chỗ khó khăn trong công tác tuyển sinh lần đầu, khó khăn trong chương trình giảng dạy, tất cả đều bắt đầu từ sự “mày mò” bởi đây là ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ kém may mắn đầu tiên và duy nhất được thành lập ở tỉnh ta. Học sinh là trẻ bị đao, câm, điếc, động kinh, tự kỹ… Từ chỗ hàng trăm trẻ khuyết tật sợ tiếp xúc với người ngoài, có hành vi bất thường, không biết chữ, không phân biệt được ngay cả giới tính con người… đến chỗ các em biết chữ, biết ca hát, chơi các môn thể thao, biết vòng tay chào khi gặp người lớn…

Đối với cô giáo Thủy, sự tiến bộ của học sinh dù là nhỏ nhất cũng là niềm vui lớn lao. Đó là bù đắp phần nào sự thiệt thòi cho trẻ, giúp các em sống vui hơn trong cuộc đời này. Cô giáo Thủy phấn khởi cho hay, có nhiều học sinh khuyết tật của trường được hòa nhập cộng đồng. Nhiều em làm được việc nhà, đỡ đần bố mẹ, không bị cho là “bỏ đi” như trước, nhiều em được đi học ở các trường tại địa phương. Học sinh Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh luôn giành được giải thưởng cao trong các cuộc thi dành cho học sinh khuyết tật do cấp Trung ương và khu vực tổ chức.

Cô giáo Thủy nhiều hôm “mất ăn, mất ngủ” tìm cách can thiệp để học sinh “của mình” được học, được sống hòa nhập. Nỗ lực dạy cho trẻ điều mà lẽ ra các em có được như bao con người sinh ra trong cuộc đời này, nỗ lực để các em được học tập, được sống hòa nhập cộng đồng… là cả một quá trình đong đầy mồ hôi và nước mắt. Trẻ phát triển tốt cả về nhận thức và hành vi, trẻ được hòa nhập cộng đồng là món quà quý giá được mang lại từ chính tình yêu thương, từ đạo làm người, làm thầy. Đó là phần thưởng cao quý trong cuộc đời đối với Nhà giáo ưu tú Trần Thị Thu Thủy.


Phương Lý
 


.