Nghĩa tình đồng nghiệp

10:11, 06/11/2012
.

(QNg)- Nhân kỷ niệm 50 năm giáo dục thời chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tây Ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Hội Cựu giáo chức Việt Nam vừa tổ chức lễ kỷ niệm và dâng hương tưởng niệm các nhà giáo hy sinh trên các tỉnh, thành miền Nam. Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Ngãi cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cử 30 thầy, cô giáo đại diện cho hội và lãnh đạo Sở đến dự lễ.

Mùa thu, trời Tây Ninh mát dịu, nhưng ở nghĩa trang liệt sĩ thì nóng hẳn lên. Hàng trăm thầy, cô ở mọi miền đất nước tóc đã bạc trắng hoặc điểm sương xen lẫn hàng trăm mái đầu xanh của học sinh tỉnh Tây Ninh, kính cẩn nghiêng mình dâng hương ở nhà bia tưởng niệm và từng mộ liệt sĩ.

Nhà bia tưởng niệm với các tấm bia đá cao, rộng mỗi chiều 3m, tuy chưa đầy đủ, nhưng đã ghi khắc tên gần 700 thầy, cô giáo, trong số đó có 133 con em Quảng Ngãi. Phần nhiều thầy, cô là con em ở miền Nam, số thầy, cô từ miền Bắc chi viện cho miền Nam cũng rất lớn. Đọc tên đồng nghiệp trên bia, các thầy, cô nghẹn ngào kể về những kỷ niệm với đồng nghiệp mình: Nhiều ngày thiếu gạo, chia nhau từng củ sắn luộc, nắm rau.

Thiếu quần áo sẵn sàng dùng chung, hay nhường nhau từng tấc vải; suốt đêm chuyển đồng nghiệp bị thương vượt vòng vây địch. Những ngày đi sản xuất, đêm về đi dạy mà pháo địch nổ bên mình. Năm bảy lần tìm tranh tre làm lại lán trại, bàn ghế. Mặt đất bị tàn phá thì đào hầm mở lớp...  Càng hồi tưởng, nước mắt càng chảy trên những gò má nhăn nheo của những người dự lễ. Nhiều cháu học sinh cúi đầu lặng thinh, rơi lệ khi thấy các thầy, cô ở tuổi ông, bà khóc thương đồng nghiệp.

Kể sao cho hết những kỷ niệm, những tình cảm của thời kháng chiến, mà khi ấy các thầy, cô mới tuổi đôi mươi, tốt nghiệp các trường đại học sư phạm ở miền Bắc sẵn sàng vào Nam; là học sinh các trường ở miền Nam tham gia cách mạng, được đào tạo sư phạm cấp tốc. Từ nguồn nhân lực này mà vùng giải phóng mở rộng đến đâu, phong trào giáo dục phát triển đến đó. Không chỉ giáo dục phổ thông, mà bổ túc văn hóa, bình dân học vụ cũng được tổ chức mạnh mẽ. Biết làm nhà giáo đâu có đứng riêng mình trong cuộc chiến đấu ác liệt, các thầy, cô chấp nhận mọi gian nguy, chỉ vì khát khao độc lập, thống nhất non sông, sẵn sàng hy sinh chỉ vì không cam chịu nỗi nhục Tổ quốc bị xâm lăng. Các nhà giáo say sưa với nghề nghiệp bởi nhận rõ vị trí của giáo dục trong quan hệ xây dựng con người, phát triển quê hương.

Năm tháng trôi nhanh, mỗi người một hoàn cảnh, tuổi cao, sức kiệt, lưu luyến đò xưa, sông cũ. Các thầy, cô tụ hội thắp hương tưởng nhớ đồng nghiệp một thời đồng cam, cộng khổ trong nhiệm vụ giáo dục vừa rất tự hào, nhưng với bao nỗi xót xa.

Mọi người đều tâm đắc khi nhìn trước nhà bia tưởng niệm, sau lư hương nghi ngút khói, tấm bia đá lớn với các dòng chữ to, màu đỏ:


"Hiến thân cho nước: Sống đã vinh mà thác cũng vinh
Hết dạ vì dân: Mệnh chẳng thọ mà danh lại thọ
Đạo làm thầy mãi mãi nêu cao
Gương trí thức đời đời sáng tỏ"


Phạm Sy
 


.