Học nội trú miễn phí ở Sơn Ba

03:11, 05/11/2012
.

(QNg)- Bữa cơm, chỗ ngủ, sách vở, quần áo, góc học tập đều do thầy cô giáo và xã hội chung tay đóng góp chăm lo. Đó là những gì cô đọng nhất về mô hình lớp học bán trú mà Trường tiểu học Sơn Ba đã và đang thực hiện, giúp 18 học sinh tiểu học ở tận đỉnh núi Ha Tu thuộc thôn Gò Da, xã Sơn Ba (Sơn Hà) nuôi ước mơ...
 


Vượt sông tìm chữ


Bây giờ là thời điểm nước sông Re bắt đầu đỏ ngầu bởi những cơn mưa từ thượng nguồn tuôn xuống. Chiếc cầu gỗ bắc qua sông Re cứ rung rinh khi có bước chân người đặt lên. Ấy vậy mà biết bao năm trước, lũ trẻ con người dân tộc Hrê ở thôn Gò Da ngày ngày phải đánh vật vượt sông tìm chữ với không ít hiểm nguy.

Niềm vui được tặng quà!
Niềm vui được tặng quà!



Thương các em nhỏ đường xa, bụng đói, nước dữ, các thầy cô giáo Trường tiểu học Sơn Ba cắt cử nhau thay phiên ra bờ sông đón các em lội sông tới trường. Rồi khi tan học, lại đưa các em vượt sông trở về nhà. Thấu hiểu nỗi gian khó ấy, từ năm học 2009 - 2010, thầy hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Ba Đặng Văn Cương đã bàn với Ban giám hiệu và giáo viên trong trường xin phép lãnh đạo huyện "đưa các em xuống núi" học nội trú. Đề xuất ấy được chấp nhận và bọn trẻ thôn Gò Da đã được trường đón về ăn học tại trường. Thầy cô giáo nhường cho các em chính căn phòng công vụ; chu cấp gạo, mắm muối, thức ăn và tận tình nấu cho các em những bữa cơm tuy đạm bạc nhưng ấm tình người...

Năm học 2011 - 2012, doanh nhân Hạ Quang Phụng (Hà Nội) qua nhịp cầu nối của những người có tấm lòng với học sinh Hrê thôn Gò Da, đã xây tặng các em 2 phòng ở có công trình phụ khép kín, nhà ăn để các em có chỗ ăn ở tươm tất hơn. Năm học 2012 - 2013, Phòng Giáo dục huyện Sơn Hà đã trang bị cho mỗi em một chiếc giường tầng; nhà trường vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ các em sách vở, áo quần, gạo, mắm muối; các thầy cô giáo hàng tháng trích từ tiền lương ít ỏi giúp cho các em "bữa cơm có thịt".

"Cơm cô, chữ thầy"...

Trở lại ngôi trường tiểu học này khi năm học mới 2012 vừa bắt đầu được ít tháng, những "học sinh bán trú" nhỏ thó đen nhẻm ngày nào giờ đã phổng phao, hồng hào lên hẳn.

Em Định Thị Huyến, học sinh lớp 5 đang học nội trú tại trường khoe với chúng tôi: "Từ ngày về đây ở nội trú con và các bạn không phải hằng ngày vượt núi, lội sông đến trường nữa. Mỗi bữa được ăn no, ngủ ngon. Mỗi tối được các thầy các cô chỉ bài.

 

Bữa cơm nội trú Trường tiểu học Sơn Ba.
Bữa cơm nội trú Trường tiểu học Sơn Ba.


Quần áo, sách vở cũng mới và đẹp hơn nhiều". Điều quan trọng hơn nữa là gia đình các em không phải đóng góp bất kỳ khoản tiền nào cho nhà trường. Anh Đinh Văn Via - Trưởng thôn Gò Da và cũng là phụ huynh của hai đứa trẻ học nội trú tại ngôi trường này cho biết: "Dân làng mình mừng lắm! Nếu không có tấm lòng của thầy cô và các nhà hảo tâm thì con em chúng tôi có lẽ đã phải bỏ học giữa chừng rồi!".

Chúng tôi đã có dịp lên tận thôn Gò Da xa xôi với hơn 4 giờ đi bộ từ trung tâm xã - nơi "đóng chân" của Trường tiểu học Sơn Ba mà 18 học sinh thôn này đang học nội trú. Cuộc sống của 37 hộ dân trong thôn dù no cơm, ấm áo nhưng vẫn còn bao thiếu thốn, lạc hậu, nhất là học hành chẳng tới đâu. Người lớn ở thôn này từ xưa đến nay chưa ai học qua bậc tiểu học. Vậy nên 18 đứa trẻ của thôn như là tia hy vọng của dân làng thực hiện khát vọng vươn đến chân trời tri thức. Chúng tôi cũng đã có dịp chứng kiến thầy trò nội trú ôn bài vào buổi tối. Nhìn các thầy giáo hướng dẫn những học trò nhỏ của mình phát âm tiếng phổ thông; cầm tay nắn từng nét chữ đã làm cho chúng tôi hiểu hơn "nghĩa thầy trò".

Cũng là thầy cô giáo đấy nhưng những người gieo chữ ở Trường tiểu học Sơn Ba có điều gì đó nặng với con chữ của học trò Hrê lắm. Bằng tấm lòng vì trẻ thơ, họ không chỉ truyền đạt, nuôi dưỡng tri thức cho con trẻ mà còn thay cha mẹ dạy dỗ, chỉ bảo tận tình từ cách xưng hô, đi đứng, chào hỏi cho các em. Họ làm việc ấy mà không hề đòi hỏi "tính lương ngoài giờ" hay phụ cấp đứng lớp. Mô hình "Học nội trú ở Sơn Ba" đơn giản, hiệu quả âu cũng là vì ở nơi đó có những người thầy, người cô như thế.

 Dẫu hôm nay bữa cơm đã no, manh áo đã ấm, bút mực, sách vở, áo quần đủ đầy hơn xưa, nhưng các em vẫn luôn mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của toàn xã hội. Thầy giáo Đặng Văn Cương - Hiệu trưởng nhà trường - người đã "sáng lập" mô hình học nội trú miễn phí này ước vọng: "Nhà trường mong muốn nhất là tổ chức, cá nhân ủng hộ gạo ăn, nước mắm, bột giặt giúp đỡ các em". Giúp cho các em những điều thiết yếu ấy cũng chính là đã góp phần ươm mầm xanh cho tương lai vùng cao Sơn Ba vươn xa, bay cao...


 Bài, ảnh: T.NHỊ

 


.