Tăng cường hợp tác, tạo đột phá chất lượng dạy nghề

08:10, 10/10/2012
.

Đây là một trong các nội dung Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại hội nghị về đào tạo nghề tại Việt Nam, sáng 10/10.


Tại “Hội nghị khu vực về đào tạo nghề tại Việt Nam - Đột phá chất lượng dạy nghề” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức sáng nay (10/10) tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã nêu rõ: “Tiếp thu, áp dụng tri thức tiên tiến khoa học, tăng cường hợp tác toàn diện với các nước tiên tiến, tạo sự đột phá chất lượng dạy nghề”.

Trong những năm qua, mạng lưới các cơ sở dạy nghề tại Việt Nam  được mở rộng và phân bố hợp lý ở các vùng, miền. Tính đến hết năm 2011, cả nước đã có gần 2300 các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và các cơ sở đào tạo nghề khác. Quy mô đào tạo tăng đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2011 đạt 32%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị khu vực về đào tạo nghề tại Việt Nam - Đột phá chất lượng dạy nghề (Ảnh: Chinhphu.vn)
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị khu vực về đào tạo nghề tại Việt Nam - Đột phá chất lượng dạy nghề (Ảnh: Chinhphu.vn)



Tại Hội nghị, các đại biểu quốc tế đánh giá cao chủ trương và chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển mạng lưới đào tạo nghề cho người lao động, nhưng cần có sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ của các nước trong khu vực và thế giới để tạo ra sự đột phá cao hơn. Nhất là có sự, tập trung hỗ trợ để nâng cao năng lực quản lý dạy nghề, hoàn thiện Luật dạy nghề và các văn bản pháp luật liên quan nhằm góp phần thu hút hơn nữa các nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ đầu tư hạ tầng cơ sở đào tạo dạy nghề…

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm để tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với Cộng hòa liên bang Đức và các nước khu vực Đông Nam Á-ASEAN trong lĩnh vực đào tạo nghề.

Ông Hans-Juergen Beerfeltz, Quốc vụ khanh, Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức cho rằng: “Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực và thành công nhất định trong lĩnh vực đào tạo nghề và chắc chắn việc làm này sẽ đóng góp quan trọng trong thúc đẩy kinh tế Việt Nam tiến lên phía trước. Thời gian tới, chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác hỗ trợ trong các trường đào tạo nghề đã hợp tác từ trước cho đến nay. Đồng thời, Cộng hòa liên bang Đức cũng muốn đẩy mạnh hơn nữa tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực khác như: bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, gắn kết chặt chẽ hơn nữa về đào tạo nghề giữa 2 nước”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đã có sự nỗ lực vượt bậc trong cải thiện hệ thống dạy nghề, hướng tới sự ngang bằng với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế hội nhập.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Để hội nhập, nguồn nhân lực Việt Nam cần đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động của thị trường lao động trong khu vực và thế giới. Do đó, đào tạo nghề Việt Nam cần phải tự đổi mới và áp dụng những tri thức khoa học công nghệ trên thế giới, tiếp thu những ưu điểm mô hình của các nước hiện đại, như các nước ASEAN, các nước châu Âu, đặc biệt là Đức- nước có nhiều kinh nghiệm và đạt được nhiều thành công trong đào tạo nghề. Và một trong những mô hình điển hình cần đẩy mạnh là sự tham gia của các doanh nghiệp cùng với chính phủ trong các hoạt động nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục.

“Hội nghị khu vực về đào tạo nghề tại Việt Nam – Đột phá chất lượng dạy nghề” tiếp tục làm việc đến hết ngày mai là tập trung thảo luận vào 4 chuyên đề: Tiêu chuẩn nghề; Quan hệ hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề; Phát triển đội ngũ giáo viên đào tạo nghề có năng lực và vấn đề tài chính cho dạy nghề.

Theo VOV

 


.