Khó khăn trong công tác quản lý sinh viên

01:10, 29/10/2012
.

(QNg)- Hiện trên địa bàn Quảng Ngãi có hơn 10 trường đại học, cao đẳng, trung cấp với số lượng lên đến hàng chục ngàn sinh viên đang theo học có hộ khẩu thường trú trong và ngoài tỉnh. Trong khi đó, công tác quản lý sinh viên của một số trường còn nhiều "lỗ hổng". Có trường hợp sinh viên của trường vi phạm pháp luật bị phạt tù hơn một năm qua nhưng nhà trường vẫn không hề hay biết.  

Theo thống kê của các ngành chức năng, tính từ năm 2010 đến 6/12012 đã xử lý 781 vụ vi phạm pháp luật, với 822 đối tượng là học sinh sinh viên. Hầu hết phần lớn đối tượng vi phạm là sinh viên các trường trên địa bàn TP Quảng Ngãi.
 

Trước diễn biến phức tạp của các loại tội phạm, nhất là tội phạm trong sinh viên do công tác quản lý còn lỏng lẻo, tháng 9/2012 Công an tỉnh và các trường ĐH, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, nhằm tăng cường công tác quản lý sinh viên ở các trường. Quy chế phân rõ nhiệm vụ, chức năng của từng đơn vị khác nhau nhằm cùng nhau phối hợp quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, cũng như hạn chế tối đa các loại tội phạm trong học sinh - sinh viên.

Điển hình, trong tháng 3/2012 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Tịnh đã bắt quả tang đối tượng Lê Trung Hiếu (SV năm thứ 5, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cơ sở đào tạo Quảng Ngãi) khi Hiếu đang chuẩn bị bán ma túy cho một con nghiện tại quán cà phê Luc Ky (thôn Liên Hiệp I, thị trấn Sơn Tịnh). Cơ quan Công an thu giữ 15 tép heroin dạng bột, 12,9 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ cầm cố, thế chấp tài sản và một điện thoại di động.

Tại cơ quan điều tra Hiếu khai nhận, để có tiền mua ma túy, Hiếu đã cầm cố chiếc xe máy gia đình mua để đi học và nhiều tài sản khác. Vốn xuất thân trong một gia đình nhà nông ở thôn Thanh Long, xã Đức Thắng (Mộ Đức), cha mẹ quần quật với ruộng đồng nên khi Hiếu thi đỗ vào đại học đó là niềm vui lớn của gia đình. Biết chuyện học của Hiếu nhiều nên cha mẹ cho Hiếu tiền để thuê trọ ở. Tuy nhiên, sau hai năm đầu học tập đàng hoàng, đến năm thứ 3 Hiếu bắt đầu lao vào ăn chơi, cờ bạc và hậu quả là dính đến "cái chết trắng". Để có tiền hút ma túy, Hiếu liên lạc với những đầu mối cung cấp ma túy ở TP HCM lấy hàng chia nhỏ ra bán cho các con nghiện trên địa bàn huyện Sơn Tịnh lấy lời.

Hay như nhóm học sinh - sinh viên chuyên cắt trộm cáp viễn thông bị cơ quan công an bắt giữ vào tháng 6/2011, đối tượng gồm Nguyễn Kim Anh (19 tuổi, học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Sơn Tịnh); Nguyễn Anh Tuấn (SV năm 2 Trường ĐH Công nghiệp TP HCM chi nhánh Quảng Ngãi); Nguyễn Đức Tuyên (SV Trường Cao đẳng Nghề cơ giới Quảng Ngãi).

Hầu hết sinh viên tham gia học ở các trường trên địa bàn tỉnh phải thuê nhà trọ ở (do ký túc xá của các trường quá hạn chế không thể đáp ứng đủ lượng lớn sinh viên). Do vậy, với một số trường công tác quản lý sinh viên ngoại trú chưa thực sự tốt, nhiều nhà trường còn lơ là trong công tác này.

Hầu hết các sinh viên vi phạm bị cơ quan chức năng bắt giữ nhưng Ban giám hiệu các trường đều không hề hay biết. Điển hình như trường hợp sinh viên Nguyễn Anh Tuấn (1990) bị cơ quan Công an huyện Sơn Tịnh bắt giữ vào tháng 6/2011, nhưng qua tìm hiểu đến nay sinh viên này vẫn đang nằm trong danh sách sinh viên học năm thứ 3, khoa Công nghệ Hóa Dầu của Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM chi nhánh Quảng Ngãi.

 

Bà Ngô Thị Hồng Đào - Trưởng phòng Giáo vụ cho rằng, hiện nay với hơn 6.000 sinh viên nhà trường đang đào tạo thì việc quản lý là rất khó. "Trường hợp của SV Tuấn do cơ quan công an không báo cho trường nên nhà trường không hề hay biết. Còn những trường hợp khi công an báo về nhà trường sẽ xử lý theo quy định" - bà Đào nói.

Theo chân tổ công tác Công an phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi) đi kiểm tra các khu nhà trọ có sinh viên thuê ở, chúng tôi nhận thấy hầu hết các khu trọ này đều nằm ở các khu dân cư nhưng lại không có sự quản lý chặt chẽ của chủ nhà trọ mà chỉ đầu hoặc đến cuối tháng chủ nhà trọ mới đến các phòng trọ thu tiền, còn lại việc quản lý phó mặc cho… người thuê.


LÊ ĐỨC

 


.