Về chuyện "dạy thêm, học thêm"

02:09, 21/09/2012
.

(QNg)- Nói ra thì rất dài, nhưng nói tắt thì bây giờ, ai cũng chấp nhận chuyện "dạy thêm học thêm" (có mở lớp) trong nhà trường là chuyện bình thường. Học sinh có nhu cầu thực sự phải học thêm, và giáo viên có nhu cầu dạy thêm.
 

TIN LIÊN QUAN


Học sinh đi học thêm thì mất tiền, còn giáo viên dạy thêm thì có tiền. Đó là chuyện sòng phẳng trong điều kiện của nền giáo dục Việt Nam. Mà không chỉ ở Việt Nam. Tôi được biết, ở Hàn Quốc, chuyện "dạy thêm, học thêm" còn "dữ dội" hơn cả ở Việt Nam nữa. Dĩ nhiên, mức sống của người dân Hàn Quốc khác xa, cao hơn hẳn mức sống của người dân Việt Nam, nên tiền phụ huynh chi cho con em mình học thêm là những món tiền mà nếu nói ra, phụ huynh ở Việt Nam chỉ còn biết… lắc đầu, lè lưỡi. Vì nó lớn quá!
 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bây giờ, thì Bộ GD&ĐT chủ trương, và các Sở GD&ĐT trong cả nước cùng "dấy lên" quyết tâm "chống dạy thêm học thêm tràn lan". Thực ra, đâu có chuyện dạy thêm học thêm tràn lan, chỉ dạy và học thêm… trong chương trình là đã đủ cho cả thầy cô và trò vã… mồ hôi rồi. Về nội dung, chẳng bao giờ có chuyện "tràn lan" trong dạy và học thêm cả, vì "tràn lan" sẽ dẫn tới thảm họa… thi rớt. Mà khi học sinh đã thi rớt với tỉ lệ cao, thì thầy dạy thêm sẽ mất học trò, tóm lại là sẽ… đói. Cái ấy nhãn tiền.

Đây chỉ nói dạy thêm học thêm "tràn lan" với ý là các thầy cô mở các lớp dạy thêm hay luyện thi tại nhà mình, còn học sinh thì tự do đăng ký tới học. Có nộp học phí, dĩ nhiên. Nhưng, nói đi thì phải nói lại. Rất nhiều thầy cô có lòng, có tâm, có đức đã miễn hoặc giảm học phí cho nhiều học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi các em đăng ký học thêm ở nhà mình.

Điều tốt đẹp ấy lập tức chấm dứt khi các học sinh nghèo tới các Trung tâm dạy thêm để mua phiếu học thêm. Vì người bán phiếu học thêm không phải là các thầy các cô, không biết và cũng không có trách nhiệm quan tâm tới hoàn cảnh của các em, nên em nào có đủ tiền thì mua được, em nào thiếu tiền thì… thôi. Nghỉ. Đó thật sự là một bất cập đối với các học sinh nghèo hay có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nếu các em có nguyện vọng muốn theo học và thi đỗ ở các cấp học cũng như thi đỗ vào đại học.

Lập các trung tâm để dạy thêm và học thêm là tạo điều kiện cho Sở Giáo dục & Đào tạo dễ quản lý, nhưng không hẳn là đã chấm dứt được cái nạn "thầy nào trò nấy". Vì không thiếu gì cách để các thầy cô "tuyên truyền" cho các em học sinh lớp mình chủ nhiệm hoặc dạy môn chính theo về Trung tâm và đăng ký học lớp mình. Quyền tổ chức dạy và thu tiền là của Trung tâm, quyền dạy là của thầy cô, nhưng quyền chọn thầy cô để học là quyền của học sinh. Có thể tự nguyện chọn, hoặc được "gợi ý" chọn.

Một khi chủ trương đúng đắn nhằm dẹp cái nạn "thầy nào trò nấy", hay nói chính xác hơn là "ép học thêm" không thực hiện được, dù đã thu gom tất cả học sinh học thêm về các Trung tâm, thì ngoài chuyện các Trung tâm nhận được 25% "quản lý phí" thu từ các hoạt động dạy thêm học thêm, các mục tiêu khác xem ra vẫn khó thành tựu.

Khi "dạy thêm, học thêm" đã là một nhu cầu thực sự, được cả xã hội công nhận và chấp nhận, thì chuyện tìm ra một mô hình tối ưu cho sự phát triển hài hoà và bình thường của một chuyện vốn không bình thường này, là việc cần phải suy nghĩ nhiều hơn và thực hiện hợp lý hợp tình hơn.


Thanh Thảo
 


.