Nhọc nhằn "gieo chữ" ở Sơn Liên

07:09, 04/09/2012
.

(QNg)- Năm học mới đã bắt đầu hơn 2 tuần, thế nhưng thầy và trò vùng cao xã Sơn Liên (Sơn Tây) vẫn đang phải đối mặt với bao khó khăn khi trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp. Sự nghiệp "gieo chữ trên non" còn bao nỗi nhọc nhằn…
 

TIN LIÊN QUAN


Khó khăn bộn bề

Xã Sơn Liên được tách ra từ xã Sơn Mùa (2009). Trường tiểu học Sơn Liên chỉ vừa mới hoàn thành nhưng, còn nhiều bề bộn sau 3 năm rưỡi thi công. Còn Trường THCS bao giờ được xây dựng vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ…

Ông Đinh Văn Bột - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Liên, cho biết: Là xã mới nên còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác giáo dục. Nhiều năm nay học sinh THCS phải mượn tạm Trường tiểu học để học.

Cả xã Sơn Liên chỉ có một trường tiểu học vừa xây dựng xong nhưng còn bề bộn sau 3 năm rưỡi thi công.
Cả xã Sơn Liên chỉ có một trường tiểu học vừa xây dựng xong nhưng còn bề bộn sau 3 năm rưỡi thi công.



Đối với học sinh bậc tiểu học, do nhà ở xa trường, có thôn nằm xa trường 4-8 cây số, điều kiện đi lại khó khăn nên hầu hết các em được học ở các điểm trường tại thôn, xóm. Nói là điểm trường nhưng thực chất đó chỉ là những lớp học tạm bợ mượn nhà của dân. Công tác vệ sinh không được đảm bảo.

Thầy Bùi Văn Tịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Liên, cho biết: Năm học 2012-2013 bậc THCS có 148 em chia làm 5 lớp, bậc tiểu học có 195 em chia làm 28 lớp. Vì thiếu phòng, thiếu lớp, nên học sinh bậc tiểu học đa số phải học ghép. Ngoài ra, hiện nay trường vẫn chưa có giáo viên Anh văn nên bộ môn này còn bỏ trống.

 Không chỉ là vấn đề trường lớp mà đời sống sinh hoạt của cán bộ, giáo viên cũng rất vất vả vì điện không có, nước sinh hoạt phải đi lấy khá xa. Một giáo viên nữ của trường tâm sự: Chị chưa biết đâu có những hôm đi vận động về gặp trời mưa, đường trơn trượt, anh chị em chúng tôi ai cũng ngã nhào, mình mẩy lấm lem, ướt nhẹp nhưng về không có nước để tắm giặt, vất vả lắm. Còn đối với những giáo viên đi dạy ở các điểm trường vào mùa mưa phải ở lại nhà dân vì đường sá xa xôi, lầy lội không thể về được.

Nhọc nhằn gieo chữ

Làm công tác giảng dạy ở miền núi đã từ nhiều năm nay nhưng thầy Lê Văn Thành-Giáo viên Trường THCS Sơn Liên chỉ luôn mơ ước một điều: "Bao giờ mới có một ngôi trường khang trang?". Đó không chỉ là ước mơ của thầy Thành mà là ước mơ chung của biết bao thầy cô giáo và học trò nơi đây.

Có dịp ngồi nói chuyện với thầy cô giáo nơi đây tôi thấu hiểu được cái nghề "gieo chữ trên non" thật chẳng dễ dàng chút nào. Năm nào cũng vậy mỗi khi năm học mới chưa bắt đầu là cán bộ, giáo viên  nơi đây lại tất bật với công tác vận động học sinh ra lớp. "Phải thường xuyên đến nhà nhắc nhở, động viên không chỉ học sinh mà cả phụ huynh nữa. Chỉ cần lơ là là anh em giáo viên chúng tôi lại phải lên rẫy để kiếm học trò".

 Cái khó khăn hiện giờ không chỉ đơn thuần là việc vận động học sinh đến lớp hay vấn đề trường lớp thiếu thốn mà việc soạn giáo án cũng đang là vấn đề cần quan tâm. "Ban ngày thì tất bật với việc dạy rồi đi vận động còn buổi tối thì lại không có điện để làm việc. Nghẹt nỗi năm nay lại phải soạn giáo án bằng tay nên chỉ biết thắp đèn cầy để làm việc thôi" - nhiều giáo viên tâm sự.

Nhọc nhằn là thế nhưng năm nào cũng có lớp lớp giáo viên trẻ miền xuôi sau khi rời cổng trường đại học đã đem hết kiến thức và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ lên miền núi cống hiến. Có những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân nơi vùng cao ấy nhưng chưa bao giờ họ muốn từ bỏ sự nghiệp của mình.


Bài, ảnh: Hồng Hoa
 


.