Người truyền sử

04:09, 07/09/2012
.

(QNĐT)- Hơn 30 năm qua, ông miệt mài “truyền lửa” cho thế hệ trẻ qua những trang sử hào hùng của dân tộc. Ông còn biên soạn, giảng dạy lịch sử địa phương để vun đắp cho học sinh niềm tự hào quê hương. Ông chính là thầy giáo Trần Văn Vàng (55 tuổi, Trường THCS Đức Chánh, huyện Mộ Đức).   

 

s
 Thầy giáo Trần Văn Vàng mài mò nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương.


Nói đến thầy giáo Trần Văn Vàng, nhiều người bảo đây là ông giáo có tấm lòng, việc làm quý như tên gọi của chính ông. Riêng ông giáo Vàng thì luôn miệng nói: “Có gì đâu, đó là trách nhiệm của người giáo viên nhân dân”.   
    

* Việc làm hiếm có

Trời nắng cháy. Thầy giáo Trần Văn Vàng cùng con "ngựa sắt" chạy  băng trên Quốc lộ. Gặp tôi, ông cười hiền bảo: “Thầy lên tỉnh em à. Mang tài liệu lịch sử địa phương vừa mới biên soạn cho các anh ở tỉnh xem”. Vừa nói, thầy giáo Vàng vừa đưa tay lau mồ hôi trên khuôn mặt đầy vết chân chim. Hình ảnh người thầy giáo suốt hơn 30 năm giảng dạy Lịch sử, mái tóc giờ đã bạc, lưng đã còng, thế mà vẫn một lòng vì sự nghiệp truyền Sử cho thế hệ trẻ khiến tôi không khỏi xúc động.

Cách đây 5 năm, lần đầu tiên ở huyện Mộ Đức diễn ra sự kiện hàng nghìn học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 được học lịch sử địa phương. Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh đồng loạt dạy lịch sử địa phương, với giáo trình được biên soạn hết sức công phu. Người có công lớn trong hoạt động giáo dục đầy ý nghĩa này chính là thầy giáo Trần Văn Vàng.

Thực hiện chủ trương của Phòng GD&ĐT huyện, trong suốt 1 năm thầy giáo Vàng vừa đảm bảo lịch lên lớp, vừa giang nắng, đội mưa đi khắp nơi tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, hình ảnh và cặm cụi viết giáo trình lịch sử địa phương.

Ông giáo Vàng lao vào soạn sử như không hề biết mệt mỏi. Ông nghiên cứu, bố trí bài học lịch sử địa phương sao cho phù hợp với chương trình lịch sử dân tộc theo từng lớp học.

Học sinh lớp 6 được học về nền văn hóa Sa Huỳnh. Các em ở khối lớp 7 học về quá trình hình thành tỉnh Quảng Ngãi; nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa; phong trào Tây Sơn ở Quảng Ngãi. Khối lớp 8 học phong trào Cần Vương ở Quảng Ngãi. Khối lớp 9 học bài học thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Quảng Ngãi và cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi.

Thầy giáo Vàng bộc bạch: “Cùng với lịch sử dân tộc, học sinh cần phải biết lịch sử địa phương, để từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Để giáo viên các trường giảng dạy thành công tiết lịch sử địa phương, thầy giáo Trần Văn Vàng lại một phen vất vả. Ông đi báo cáo, hướng dẫn cho giáo viên ở các trường trên địa bàn huyện. Công việc vất vả từ khâu tìm hiểu, biên soạn cho đến báo cáo, hướng dẫn phương pháp giảng dạy, và ông tự “xuất” tiền túi phục vụ công tác biên soạn, thế mà trên khuôn mặt ông giáo Vàng lúc nào cũng nở nụ cười tươi. “Học trò hiểu và thêm yêu, thêm tự hào về quê hương chính là phần thưởng lớn lao nhất rồi”, thầy giáo Vàng nói.


Năm học 2012-2013, Quảng Ngãi triển khai dạy lịch sử địa phương cho học sinh toàn tỉnh. Thầy giáo Vàng tình nguyện không nghỉ ngơi trong suốt một mùa hè để biên soạn 4 tiết dạy lịch sử địa phương  cho học sinh lớp 6 và lớp 7.

Ông giống như chú ong chăm chỉ làm việc để dâng mật ngọt cho đời. Ông giáo Vàng thổ lộ: “Có nhiều đêm không ngủ được. Cứ đau đáu trong đầu bài giảng về lịch sử địa phương”. Trót yêu nghề truyền Sử, yêu ánh mắt hồn nhiên của học trò, ông giáo Vàng ngày đêm miệt mài với công tác giảng dạy, miệt mài biên soạn giáo trình lịch sử địa phương.  

 

* Rơi nước mắt trên bục giảng
 

"Thầy giáo Trần Văn Vàng được đồng nghiệp và học sinh quý mến. Thầy có nhiều công lao trong nghiên cứu, biên soạn tài liệu lịch sử địa phương phục vụ công tác giảng dạy. Việc làm của thầy vô cùng ý nghĩa, nhất là việc thầy bỏ ra nhiều công sức để tìm hiểu, biên soạn bài viết nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa nhằm giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tài liệu do thầy giáo Vàng biên soạn đã được hội đồng thẩm định và sắp đến sẽ đưa vào giảng dạy cho học sinh toàn tỉnh” ông Thái Văn Đồng-Giám đốc Sở GD&ĐT nhận xét về thầy giáo Trần Văn Vàng.

Trong lúc giảng bài, thầy giáo Trần Văn Vàng nhiều lần rơi nước mắt.  Học trò ngồi dưới lớp khuôn mặt cũng buồn thiu. Bài giảng về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, về sự mất mát, đau thương bởi chiến tranh, sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông vì mục tiêu bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc… luôn khiến ông giáo Vàng xúc động. Ông giáo Vàng bảo, môn Lịch sử hay lắm, biết sử mới biết người mà, có nhập tâm thì giảng bài mới hay. Hết lớp tới lớp, học trò cứ tròn xoe mắt, say sưa nghe thầy giáo Vàng truyền giảng về bản anh hùng ca bất tử của dân tộc, của quê hương.
 

Trong quá trình biên soạn, giảng dạy lịch sử địa phương, bài “Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa” là bài ông giáo Vàng tâm đắc nhất. Ông một mình vượt chặng đường hơn 50 cây số từ nhà đến bến cảng, rồi “bắt” tàu vượt biển ra đảo Lý Sơn-nơi quê hương đội hùng binh Hoàng Sa.

Ông tìm đến nơi lưu giữ tài liệu, hiện vật, nơi gắn bó với đội hùng binh Hoàng Sa thời chúa Nguyễn năm xưa để tìm hiểu, sưu tầm rồi về soạn giảng, lên lớp truyền lại cho học trò.

Vì sao có đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải? Vì sao Lý Sơn có Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa? Bài học về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ lâu đã được ông dạy cho học trò của mình. “Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam”, ông giáo Trần Văn Vàng dõng dạt trên bục giảng.  

Có dịp chứng kiến học sinh Trường THCS Đức Chánh trong giờ học lịch sử địa phương, học bài bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, chúng tôi không khỏi xúc động.

Lớp trẻ được học kiến thức vô cùng quý báu, được giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền của đất nước nhờ phần lớn công lao của một lão nhà giáo cống hiến gần như trọn cuộc đời cho sự nghiệp trồng người. Thầy giáo Trần Văn Vàng là thế! Ông được nhiều người quý mến bởi lúc nào cũng nghĩ đến cái chung, nghĩ đến việc truyền dạy lịch sử, giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương, yêu đất nước.


Hoàng Anh
 


.