Ngôi trường "không có tên" trong Luật Giáo dục 2005

02:04, 10/04/2012
.

(QNĐT)- Thời gian qua, cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh Trường Mẫu giáo năng khiếu bán công Nhà Thiếu nhi (thuộc Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi) rất lo lắng trước việc ngôi trường sẽ bị giải thể, do mô hình trường mẫu giáo bán công không có trong Luật Giáo dục 2005.

TIN LIÊN QUAN

Bà Nguyễn Thị Hạnh Dung- Quyền Giám đốc Nhà Thiếu nhi cho biết, Trường Mẫu giáo năng khiếu bán công Nhà Thiếu nhi trực thuộc Tỉnh Đoàn, được thành lập năm 1996 theo Quyết định số 894/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Đồng chí Lê Quang Thích- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:
- Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất phương án sắp xếp, tổ chức hoạt động của Trường Mẫu giáo năng khiếu bán công Nhà Thiếu nhi tỉnh theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho trường hoạt động trong thời gian chưa chuyển đổi nhằm đảm bảo quyền lợi của cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường; Sở GD&ĐT có trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn để trường tiếp tục hoạt động có hiệu quả... 

                                                                        PV (lược ghi)

Sau 16 năm hoạt động, nhà trường đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ trong công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ, góp phần không nhỏ trong công tác giáo dục bậc mầm non của tỉnh. Trung bình mỗi năm nhà trường tiếp nhận khoảng 250 cháu. Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn.

Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục năm 2005 thì trường mầm non chỉ còn 3 loại hình: công lập, dân lập và tư thục. Do đó, ngày 27/9/2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chuyển đổi các trường mầm non bán công trên địa bàn tỉnh sang loại hình trường công lập.     

Theo đó, đến hết năm 2011 có 119/120 trường mẫu giáo bán công trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác chuyển đổi sang loại hình trường công lập. Riêng Trường Mẫu giáo năng khiếu bán công Nhà Thiếu nhi tỉnh không năm trong Đề án chuyển đổi.

Nếu không được sắp xếp, giáo viên và học sinh của trường rất khó tìm nơi tiếp nhận.
Nếu không được sắp xếp, giáo viên và học sinh của trường rất khó tìm nơi tiếp nhận.



"Thông tin trường không thể chuyển sang loại hình công lập, tư thục hay dân lập mà phải giải thể khiến tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh của trường rất hoang mang, lo lắng"- bà Nguyễn Thị Hạnh Dung, cho biết.

Cũng theo bà Dung, việc giải thể trường sẽ có những tác động tiêu cực. Cụ thể là, 220 học sinh sẽ mất chỗ học, 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường mất việc làm, trong đó có nhiều người cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở nhà trường hơn 10 năm.

Chị Nguyễn Thị Hạnh- giáo viên có thâm niên công tác ở trường được 8 năm, lo lắng: "May mắn lắm tôi mới xin được việc làm ở đây. Nếu trường giải thể thì đồng nghĩa với việc chúng tôi phải làm lại từ đầu. Nhưng thời điểm này xin việc đâu phải dễ. Do đó, UBND tỉnh và Sở GD&ĐT tỉnh phải quan đến quyền lợi của chúng tôi và học sinh ở đây!".

Từ năm 2009- 2011, mỗi năm nhà trường được tỉnh hỗ trợ 240 triệu đồng/năm để chi trả một phần lương cho cán bộ, giáo viên, phần còn lại trường phải tự lo liệu. Thế nhưng, do vướng các thủ tục nêu trên nên năm 2012 chưa được ngân sách hỗ trợ, nhà trường phải tự xoay xở để trả lương cho giáo viên từ đầu năm 2012 đến nay.

Bà Dung cho rằng, UBND tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho trường tiếp tục hoạt động thêm một thời gian. Đồng thời có phương án chuyển dần cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường về các trường công lập trên địa bàn thành phố. Có như thế cán bộ, giáo viên của nhà trường mới tiếp tục có việc làm, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

"Trong điều kiện các trường công lập trên địa bàn thành phố chưa đủ cơ sở vật chất để tiếp nhận giáo viên, học sinh của trường thì, Nhà Thiếu nhi cho mượn tạm cơ sở vật chất để đảm bảo việc dạy và học"- bà Dung cho biết.
                            

Bài, ảnh: Phú Đức

 


.