Chính sách xét tuyển đối với thí sinh huyện nghèo: Nhiều trường lúng túng

10:04, 13/04/2012
.

(QNg)- Nhiều trường đại học hiện đang lúng túng trước quy định mới của Bộ GD&ĐT về chính sách xét tuyển đối với thí sinh (TS) là người dân tộc thiểu số, TS có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012.

TIN LIÊN QUAN


Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, thí sinh (TS) là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học.

Cơ hội cho thí sinh huyện nghèo

Tiến sĩ Phạm Sỹ Hùng-Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-Kế toán nhận định, đây là cơ hội để học sinh ở các huyện nghèo tiếp cận chương trình kiến thức ở bậc ĐH, CĐ, nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực ở vùng cao. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phạm Sỹ Hùng, đối với thí sinh có năng lực thì trước hết nên sử dụng quyền được dự thi, như thế sẽ được học ở trường, ngành theo nguyện vọng và không tốn thời gian 1 năm học bổ sung kiến thức theo quy định.

Thí sinh hỏi chuyên gia tư vấn về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012.
Thí sinh hỏi chuyên gia tư vấn về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012.


Đối với Trường ĐH Phạm Văn Đồng, trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 dự kiến dành 100 chỉ tiêu bậc ĐH, CĐ hệ chính quy để xét tuyển TS là người dân tộc thiểu số, TS có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên ở các huyện nghèo theo quy định của quy chế tuyển sinh. Điều đáng lưu ý là Trường ĐH Phạm Văn Đồng chỉ xét tuyển đối với TS tốt nghiệp THPT năm 2012, không xét tuyển đối với TS tốt nghiệp THPT những năm trước. Thạc sĩ Phạm Nghi-Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng cho rằng, Bộ GD&ĐT không quy định cụ thể năm tốt nghiệp THPT đối với TS thuộc diện xét tuyển nói trên, do vậy trường chỉ xét tuyển đối với TS tốt nghiệp THPT năm 2012. Hình thức xét tuyển là xét điểm từ cao xuống thấp đối với tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012.

Dạy bổ sung kiến thức: Nhiều trường lo lắng   
 

Ông Trương Lê Hoài Vũ-Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT): "Bộ GD&ĐT quy định TS thuộc đối tượng xét tuyển gởi hồ sơ đăng ký xét tuyển về Sở GD&ĐT trước ngày 25/6/2012. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em vì điều kiện đi lại ở vùng cao rất khó khăn, cán bộ làm công tác tuyển sinh ở các điểm thu nhận hồ sơ thuộc hệ thống của Sở GD&ĐT sẽ thu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển và gởi về cho Sở GD&ĐT".

Theo quy chế, các TS thuộc diện xét tuyển nói trên sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức 1 năm học trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định. Đây là điều khiến cho nhiều trường đại học lo lắng. Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-Kế toán Phạm Sỹ Hùng cho rằng, trường hợp ít TS thì rất khó cho nhà trường trong việc tổ chức lớp học. Mặt khác, trường không có giáo viên để dạy kiến thức cơ bản cho các em.

Điều khiến tiến sĩ Phạm Sỹ Hùng bâng khuâng nữa là, sau khi các em kết thúc 1 năm học kiến thức cơ bản thì đâu là hướng dẫn để đánh giá các em đạt hay không đạt yêu cầu. Nếu học sinh học không đạt thì sẽ giải quyết như thế nào. Về điều này thì không chỉ riêng tiến sĩ Phạm Sỹ Hùng bâng khuâng, mà đối với các trường đại học thì đây là câu hỏi chưa có lời giải.

Thạc sĩ Phạm Nghi-Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng cho rằng, nhà trường có giáo viên để dạy 4 môn cơ bản cho các em. Tuy nhiên, nếu có quá ít học sinh thì khó mà mở lớp. Về điều kiện kinh phí, giả sử có ít học sinh thì cần sự hỗ trợ của tỉnh để có thể mở lớp giảng dạy nhằm đảm bảo quyền lợi cho TS người dân tộc thiểu số, TS có hộ khẩu thường trú ở các huyện nghèo theo quy định của Bộ GD&ĐT.


Bài, ảnh: Phương Lý
 


.