Tuyển sinh 2012: Chỉ tiêu sư phạm tăng cao hơn mọi năm

08:03, 02/03/2012
.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng tăng chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường sư phạm là tín hiệu mừng nhưng đó chỉ là bước đầu tiên trong những việc làm cấp thiết để giải quyết những ngổn ngang của giáo dục mầm non.

TIN LIÊN QUAN


Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường ĐH, CĐ tại TPHCM đều tăng chỉ tiêu các ngành sư phạm mầm non, sư phạm tiểu học. Đây là tín hiệu vui với ngành GD-ĐT TPHCM khi mà việc thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và tiểu học, nhiều năm qua vẫn là bài toán khó giải.
 
Thực tế, năm nay không phải là năm đầu tiên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM… tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm. Năm 2011, do nhu cầu giáo viên rất lớn, cơ hội việc làm nhiều cùng với điểm chuẩn không cao nên ngành giáo dục mầm non của Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM đã không phải tuyển đến nguyện vọng 2.Nếu tuyển đủ tất cả những chỉ tiêu này cộng với số sinh viên sắp ra trường, có thể thấy lượng cung và cầu đối với giáo viên mầm non, tiểu học hằng năm không còn quá chênh lệch. Thế nhưng, con số thống kê của ngành GD-ĐT TPHCM cho thấy đến năm 2015, TP cần bổ sung  4.067 giáo viên mầm non để bảo đảm chuẩn 2 giáo viên/lớp/30 học sinh.
 

 
Con số này không phải dễ dàng đáp ứng. Lý do là không ít sinh viên sau khi ra trường đã không làm đúng ngành hoặc làm một thời gian thì nghỉ. Ngoài việc tuyển không được, nhiều trường mầm non còn đau đầu tìm cách giữ chân giáo viên nhưng số giáo viên nghỉ việc ngày càng nhiều. Trong 6 tháng đầu năm 2011, đã có gần 500 giáo viên mầm non bỏ việc. Hiện nay, dù đã giữa năm học, nhiều trường mầm non vẫn phải dán thông báo tuyển giáo viên.
 
Nhiều giáo viên cho rằng lương thấp cùng với môi trường làm việc vất vả khiến nhiều giáo viên “dứt áo ra đi”. Bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó Phòng GD-ĐT quận 8, tâm tư: “Nhiều giáo viên đã đến nhận nhiệm sở nhưng vào ngày đi làm thì… mất tích, điện thoại cũng không liên lạc được”.
 
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), kể: “Giai đoạn thực tập là rất quan trọng nhưng hầu hết sinh viên lại được gửi đến những ngôi trường chuẩn, khang trang, sĩ số học sinh vừa phải khiến các em nhầm tưởng đó là môi trường làm việc sau này. Cho đến khi đi làm thật sự, nhiều giáo viên trẻ vỡ mộng vì công việc khác xa tưởng tượng nên lại ra đi”.
 
Các chuyên gia giáo dục cho rằng tăng chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường sư phạm là tín hiệu mừng nhưng đó chỉ là bước đầu tiên trong những việc làm cấp thiết để giải quyết những ngổn ngang của giáo dục mầm non. Cũng biết với ngành đặc thù như giáo dục mầm non, tiểu học thì nguyên nhân chính khiến giáo viên gắn bó với nghề là lòng yêu trẻ và sự tận tụy nhưng một khi mức lương chưa được trả xứng đáng với công việc, khi sinh viên còn thiếu trải nghiệm thực tế thì chuyện thiếu giáo viên hay giáo viên bỏ việc vẫn sẽ mãi là căn bệnh trầm kha.

 

Theo Tuyển sinh


.