Đoàn công tác BCĐ Trung ương về Đề án 1956 làm việc với BCĐ tỉnh

04:11, 10/11/2011
.

(QNĐT)- Chiều 10/11, tại Sở LĐ-TB&XH, Đoàn công tác BCĐ Trung ương đã có buổi làm việc với BCĐ thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956) của tỉnh sau khi đi kiểm tra tình hình thực hiện Đề án tại một số điểm trong tỉnh.
 
Qua gần 2 năm thực hiện Đề án 1956, Ban chỉ đạo tỉnh đã quán triệt nội dung đề án đến các cấp, các ngành, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, nhân dân và toàn xã hội nhận thức tương đối đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án.
 
Không khí buổi làm việc
Không khí buổi làm việc
 
Năm 2010, thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh đào tạo được 3.226/3.100 chỉ tiêu kế hoạch, đạt tỷ lệ 101,12%. Trong 10 tháng năm 2011, do chưa được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia nên các hoạt động của Đề án hầu như không được thực hiện.
 
Tuy vậy, BCĐ Đề án 1956 của tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo tạm ứng kinh phí để dạy nghề cho trên 3.000 lao động, đạt 60% kế hoạch. Tỷ lệ lao động học nghề gắn với tự tạo việc làm và tìm được việc làm mới đạt từ 60-70%.
 
Bên cạnh những việc đã làm được, việc thực hiện Đề án tại tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một số địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền vẫn chưa thực sự vào cuộc, chưa có sự phối hợp đồng bộ nên vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tiến trình thực hiện Đề án.
 
Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, hình thức chưa phong phú và chưa có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội… Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cùng với đội ngũ giáo viên của một số Trung tâm dạy nghề còn thiếu và yếu.
 
Sau khi nghe kiến nghị, đề xuất của BCĐ tỉnh, ông Nguyễn Văn Lý- Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam, thành viên BCĐ TƯ ghi nhận những kết quả đạt được trong việc triển khai Đề án tại tỉnh Quảng Ngãi trong gần 2 năm qua. Đề nghị BCĐ thực hiện Đề án 1956 cấp tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Đề án 1956 đến nhân dân và toàn xã hội bằng nhiều hình thức phù hợp. Đồng thời, khắc phục những hạn chế còn tồn tại và đẩy mạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai Đề án nhằm mang lại kết quả tốt nhất.
 
Thanh Phương

.