Thợ xây tự do cần sự giúp đỡ!

10:09, 23/09/2011
.

(QNg)- Vì mưu sinh hằng ngày, những người thợ xây tự do vốn xuất thân là nông dân đành phó mặc số phận cho "tử thần". Đây đó trên các công trình cao tầng đang thi công, các thợ xây gốc là nông dân vẫn miệt mài cầm bay đặt gạch, cầm con lăn sơn nước. Mùa nông nhàn bắt đầu, hàng trăm nông dân từ các làng quê chuẩn bị bay, búa, bàn xoa lên thành phố, đến các công trình xây dựng hành nghề thợ xây, trong số đó đã từng có người không thể trở về, vì tai nạn lao động.

Nguy hiểm luôn cận kề

Tại nhiều công trình xây dựng nhà cao tầng ngay trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, đội thợ xây đứng chênh vênh trên các tấm ván bắc dọc theo giàn giáo, không dây an toàn, thiếu những dụng cụ bảo hộ cần thiết, không mũ nón đội đầu. Bên dưới là dòng người tấp nập qua lại trên đường. Đằng sau họ là bao nhiêu nguy hiểm luôn rình rập. Thợ xây tự do phải làm việc trong bất cứ điều kiện thời tiết nào, ngày hè thì nắng nóng bỏng rát, ngày đông thì gió lạnh buốt, cắt da cắt thịt.
 
Thợ xây tự do không trang bị bảo hộ lao động, do đó nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Trong ảnh: Thợ xây nhà ở xã Tịnh Châu - Sơn Tịnh.
Thợ xây tự do không trang bị bảo hộ lao động, do đó nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Trong ảnh: Thợ xây nhà ở xã Tịnh Châu - Sơn Tịnh.

Vào mùa xây dựng thì thợ xây làm không hết việc. Về cơ bản các công trình xây dựng tư nhân đều được "cai thầu" đứng ra nhận hợp đồng thực hiện, sau đó tập hợp những người thạo nghề tạo thành một tổ thợ đi làm. Đa phần trong số thợ xây này đều có kinh nghiệm tích luỹ qua nhiều năm cầm bay, cầm búa. Ngay cả cai thầu đôi khi cũng chỉ là những người có tuổi đời nhiều hơn và họ đã từng có nhiều năm là công nhân xây dựng. Thực tế chẳng mấy người được đào tạo một cách bài bản. Họ cũng không có giấy phép hành nghề.

Thợ xây không chỉ cần khỏe mạnh, mà phải có "tinh thần thép". Họ phải không biết sợ độ cao khi đảm nhận công việc, dù độ cao đó giống như một ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết. Điều quan trọng hơn họ không được học nghề một cách bài bản, không được tuyên truyền, giáo dục về biện pháp an toàn lao động trong xây dựng và chính người thợ xây còn thiếu ý thức bảo vệ mạng sống của mình.

Anh Trần Văn Mùi (quê ở Tịnh Giang, Sơn Tịnh) làm phụ hồ cho một công trình nhà ở 1 trệt, 3 lầu. Trong khi đang thi công phần đổ bê tông ban công lầu 2, do giàn giáo chống đỡ yếu, nên cả phần ban công đổ ập xuống, khiến anh bị dập nát một chân. Hiện anh Mùi không thể tiếp tục làm nghề thợ xây. Công việc chính của anh trên đồng ruộng cũng khó có thể tiếp tục như trước.

Năm 2010 tại phường Lê Hồng Phong (Tp. Quảng Ngãi) cũng đã xảy ra một vụ sập giàn giáo, trong khi có 10 công nhân đang đổ bê tông sàn tầng hai của căn nhà, làm một người chết và 5 người bị thương. Tuy nhiên dù có không ít vụ tai nạn trong xây dựng dẫn đến việc người lao động tự do bị thương tích, tàn phế, thiệt mạng chỉ vì giàn giáo lỏng lẻo, kết cấu công trình yếu, nhưng lực lượng lao động nông thôn hành nghề thợ xây chưa qua đào tạo vẫn có chiều hướng không giảm.

Chỉ vì "miếng cơm, manh áo"

Công việc vất vả và nguy hiểm như vậy, nhưng số lượng người gia nhập vào đội quân xây dựng ngày càng tăng thêm, chủ yếu là thanh niên nông thôn học hành ít, việc làm lại không có. Đến nay nhiều phụ nữ chân yếu tay mềm cũng đi làm phụ hồ, nấu cơm. Chị Ngô Thị Hóa (35 tuổi) trú tại huyện Mộ Đức, vừa trộn hồ vừa bảo: "Chồng mình làm thợ xây, nhưng vẫn không đủ nuôi gia đình, nên mình đi theo làm phụ hồ. Hai người kiếm tiền thì đỡ hơn một người mà". Đời thợ xây cực nhọc vậy, nhưng gặp chuyện chủ thầu nợ tiền công cũng chẳng biết kêu ai.

Anh Lê Bình (huyện Sơn Tịnh) kể: Vợ chồng con cái anh ở với ông bà nội già yếu. Thửa ruộng bé tí của gia đình không đủ nuôi 6 miệng ăn. Anh đành vào Nam kiếm chân phụ hồ cải thiện đời sống gia đình. Một mình lặn lội tìm việc, anh Bình gặp một chủ thầu ở quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh nhận vào làm việc, với mức lương 80 nghìn đồng/ngày, cơm nuôi, ngủ tại công trường. Cặm cụi làm việc suốt nửa năm, đáng lẽ anh Bình phải nhận được tổng tiền lương gần 15 triệu đồng. Thế nhưng khi thanh toán, ông chủ chỉ đưa 10 triệu đồng... nợ lại 5 triệu. Rồi vị chủ thầu này không thanh toán cho anh. Anh Bình than thở rằng, làm việc chả có hợp đồng giấy tờ gì cả, mà chỉ thỏa thuận miệng với nhau, nên không biết kêu ai.

Chưa thấy một tổ chức nghề nghiệp nào xuất hiện để tạo chỗ dựa cho những người thợ xây vốn xuất thân từ nông dân, không chuyên môn, không bằng cấp nghề nghiệp. Và cũng chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra mở các lớp tập huấn về an toàn lao động cho giới thợ xây tự do, giúp họ có ý thức hơn trong việc bảo vệ tính mạng, tránh những rủi ro do tai nạn lao động gây ra. Những thợ xây tự do họ cần sự quan tâm của một tổ chức (Công đoàn ngành xây dựng chẳng hạn), trực tiếp đứng ra phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng mở lớp dạy nghề cho công nhân tự do, giúp họ có điều kiện nâng cao chuyên môn, rèn luyện ý thức kỷ luật lao động...

Bài, ảnh: Vũ Yến

.