Đảo Bé và khát vọng con chữ

01:09, 22/09/2011
.

(QNg)- Thật khó diễn tả hết cái khó của đảo Bé, cái khó của việc dạy và học ở mái trường này. Tiếp xúc với thầy cô và phụ huynh trên đảo Bé, tôi biết nhiều chuyện thật... khó tin.
 
 

* Đến trường chỉ một bộ đồ

Trong số học sinh lớp bốn lên nhận học bổng của Trường tiểu học An Hải (xã An Hải), tôi trông thấy một em học sinh mặc quần và áo tuy sạch sẽ, nhưng đã cũ, ngắn ngủn. Đó là em Nguyễn Tấn Phát, một sinh giỏi của trường.

Khi nhận 500.000 đồng từ suất học bổng, tôi thấy hai mắt Phát chớp chớp rồi sáng lên.  Phát bảo, em đưa hết tiền được nhận cho mẹ. Bà Bùi Thị Hoa, mẹ em Phát nói nghèn nghẹn: "Tôi sắm cho nó bộ đồ mới. Tội nghiệp, bạn bè ai cũng có đồ mới. Cu Phát biết mình không có, nhưng hổng dám đòi, vì biết mẹ đâu có tiền".
 
Ông Nguyễn Tài Luân - Phó Bí thư Huyện ủy Lý Sơn trao học bổng cho học sinh trên đảo Bé.
Ông Nguyễn Tài Luân - Phó Bí thư Huyện ủy Lý Sơn trao học bổng cho học sinh trên đảo Bé.

Chúng tôi đến thăm nhà bà Hoa mới hay, cả chị ruột Phát là Nguyễn Thị Tài (học sinh lớp 6 Trường THCS An Hải) vẫn chỉ có một bộ đồ đến lớp. Tài cũng là học sinh tiên tiến, nhưng không được nhận học bổng EDF. Bà Hoa cho biết: Hai năm vừa qua làm được bao nhiêu, bà đều gom góp đi chữa bệnh cho chồng bị bệnh đường ruột. Bây giờ nợ chưa trả xong, cơm còn chạy ăn từng bữa, nên không có tiền may đồ mới cho con.

Chúng tôi đi thăm nhiều gia đình nghèo có con học giỏi như gia đình chị Lê Thị Thạch, mẹ của hai em được nhận học bổng là Bùi Chí Thành (học sinh lớp 4) và Bùi Thị Tuyết Trinh (học sinh lớp 2) Trường tiểu học An Hải. Chị Thạch cho hay, hai năm qua chị dốc tiền túi và bán nhà chữa chạy bệnh ung thư cho chồng. Thế nhưng khi tiền trong nhà hết, nhà mất thì cách đây bốn tháng chồng chị cũng ra đi, bỏ lại chị 3 đứa con, không có nhà để ở.

Chị Thạch "làm liều" vay 5 triệu đồng thuê lại sạp ở chợ An Hải để cho 4 mẹ con vừa tá túc, vừa có chỗ để chị may và sửa quần áo kiếm sống. "Mỗi ngày em kiếm được 50.000 đồng, đủ mua gạo nuôi con"-chị Thạch nói buồn. Chị kể hồi sáng khi nhận học bổng về, cu Thành nói với mẹ là, khi nào không có tiền, mẹ cứ lấy tiền của con đi mua gạo. Còn bé Tuyết Trinh thủ thỉ: "Con có tiền rồi. Mẹ đừng làm tối mịt nữa, lấy tiền con mà mua đồ".

*  "3 trong 1"

Ngồi trên thuyền máy khoảng 30 phút tôi đến đảo Bé (xã An Bình) và chứng kiến cảnh ngày tựu trường đầy cảm động nơi đây.  Thầy hiệu trưởng Trường tiểu học An Bình Trần Thanh Dũng chỉ cho tôi xem 65 em học sinh đang ngồi dưới sân trường, rồi bảo: Năm học này trường có "3 trong 1". Đó là không chỉ của cấp tiểu học, mà còn "gánh" cả học sinh mầm non (19 em) và học sinh lớp 6 và 8 (có 17 em nữa).

Thật khó diễn tả hết cái khó của đảo Bé, cái khó của việc dạy và học ở mái trường này. Tiếp xúc với thầy cô và phụ huynh trên đảo Bé, tôi biết nhiều chuyện thật... khó tin. Điển hình như chuyện không chịu... lên lớp của em học sinh tên Nguyễn Thị Bích Phượng. Lý ra năm nay em lên lớp 9 và phải vào đảo Lớn để học. Thế nhưng khi qua đảo Lớn và ngồi học được ba ngày, thì sáng ngày thứ tư cả giáo viên trên đảo Bé sửng sốt khi thấy bé Phượng quay về đảo Bé, vào học lại lớp 8.
 
Bé Phượng bảo: Nhớ đảo quá. Tỉ tê trò chuyện tôi mới hay, nhớ đảo một phần nhưng phần khác là do em không có ai chăm sóc. Ba mẹ ở đảo Bé suốt ngày làm lụng, đâu để ý gì con qua đảo Lớn học. Nó không có người thân, chỉ ở nhà một người phụ nữ nghèo mà mẹ nó bắt kêu bằng dì. Dì này lại quá khổ, lo làm nuôi thân chưa nổi, biết lấy gì chăm sóc bé trọ học nhà mình.

Dẫn tôi đi thăm 4 phòng học mới xây (1,4 tỷ đồng) thầy hiệu trưởng khoe là, năm học này trường khỏi đi mượn phòng học của bộ đội đóng quân trên đảo. Thế nhưng thầy Dũng trầm tư: "Nói vậy chứ vẫn còn nhiều cái khó lắm như 4 phòng học mới này được lắp hệ thống quạt, bóng điện, nhưng có dùng được đâu. Vì đảo có điện đâu mà dùng, nên mấy thứ này chỉ... làm cảnh cho vui".
 
Theo lời kể của thầy Dũng vào mùa đông, những hôm trời mưa gió trường thường cho học sinh nghỉ học, vì phòng học tối bưng. "Ước gì có cái máy phát điện chừng 5KW thôi. Mùa đông vào những hôm trời tối, chúng tôi sẽ chạy máy phát điện cho thầy và trò học" - thầy Dũng ước mong.

Tôi ước có một ngày nào đó trở lại đảo Bé, sẽ thấy mái trường này có máy phát điện như lời thầy...

    Bài, ảnh: PHẠM ANH

.