"Ngọn đuốc" giữa rừng

08:08, 22/08/2011
.

(QNg)- Cách đây gần 30 năm, ngày Sơn Tây vẫn còn là một huyện miền núi hoang vu, ít dấu chân người, thầy Đinh Hồng Dăng đã bất chấp khó khăn vượt qua núi non hiểm trở, mang ngọn đuốc tri thức đến với đồng bào Hrê, Ca Dong nơi bản làng vùng cao.
 
Thầy Đinh Hồng Dăng đang dạy phụ đạo hè cho học sinh Tiểu học xã Sơn Lập.
Thầy Đinh Hồng Dăng đang dạy phụ đạo hè cho học sinh Tiểu học xã Sơn Lập.

Đôi chân thầy Dăng in dấu trên khắp cánh rừng Sơn Tây, từ nơi "thâm sơn cùng cốc" như Sơn Lập, cho đến Sơn Kỳ, Sơn Tinh, Sơn Bua...

Ông giáo trẻ băng rừng

Sơn Tây có 4/5 diện tích là đồi núi. Khoảng 30 năm trước, người thanh niên trẻ 24 tuổi Đinh Hồng Dăng đã không quản ngại gian khổ, tình nguyện rời Sơn Hà lên đây truyền đạt tri thức cho dân. Đoạn đường núi gần 20km cheo leo, hiểm trở cộng thêm 6 giờ leo rừng, vượt sông không hề làm nao núng lòng yêu nghề của thầy giáo trẻ. Và cứ đều đặn mỗi tuần một lần, thầy Dăng phải vượt qua ngần ấy khó nhọc về nhà lấy lương khô, rồi lại trở ngược lên cắm lớp. "Lắm lúc đang đi bộ băng rừng, vô tình gặp phải đàn trâu của dân làng thả rông, con nào cũng dữ tợn với cặp sừng nhọn hoắt và đôi mắt đỏ ngầu.
 
Thấy bóng người là chúng nhào đến húc. Những lúc ấy tôi phải vớ vội thân cây to gần đó trèo lên lánh nạn. Rồi chờ đến khi tối mịt, trâu bỏ về mới dám trèo xuống tiếp tục hành trình"- giọng thầy ngắt quãng kể lại tôi nghe những khó nhọc ngày xưa... Song nỗi vất vả đó vẫn chưa thấm vào đâu so với những tháng mùa mưa. Mưa rừng dầm dề không dứt khiến lũ sông Xà Lò dâng cao. Nhiều hôm trở về nhà, lên lại Sơn Tây gặp ngay con sông đang mùa lũ cứ ào ạt tuôn. Thầy giáo trẻ đi dọc cả con sông tìm chỗ nước nhẹ để bơi qua, chứ nhất quyết không bỏ dạy.

Cắm bản

Thầy giáo Hồng Dăng cắm chốt ngay tại bản, sống chung với đồng bào để gần gũi, tìm hiểu rõ về từng gia đình, rồi vận động trẻ em đi học. Vượt ngàn lên tận nơi giảng dạy đã khó, công tác vận động học sinh đi học còn khó hơn. Thời ấy, vật chất thiếu thốn mọi bề, bà con Hrê, Ca Dong nào biết con chữ là gì. Đến nhà nào thầy giáo cũng chỉ nhận được cái lắc đầu "Học để làm gì, cái chữ có no được bụng đâu".

 Nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, thầy Dăng bền bỉ đi đến các nhà vận động. Sự nhiệt tình của người thầy giáo trẻ cuối cùng cũng được đền đáp khi lớp học đuợc ngót nghét 30 học sinh. Và thế là cả thầy và trò cùng chen nhau trong một căn chòi lá được lợp bằng lá, để cùng nhau học chữ. Ngày ấy lớp 1 của Thầy Dăng có đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ 7 tuổi cho đến người đã qua 20 tuổi đời. Những ngày đầu đứng lớp, thầy dạy cho học sinh tập nói tiếng Kinh, rồi sau đó mới dạy kiến thức. Ban ngày dạy học, ban đêm thầy lại trở về với chiếc võng mắc tạm giữa rừng làm chỗ ngủ qua đêm. Căn bệnh sốt rét cũng vì thế mà có cơ hội hành hạ thầy thường xuyên.

27 năm gắn bó với học trò miền núi, người thầy giáo miền sơn cước giờ đây cũng đã bước vào cái tuổi xế chiều. Thế nhưng đến Trường tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Lập vào một ngày mưa tháng 8 tôi vẫn gặp thầy đang cặm cụi giảng bài, nắn nót từng câu chữ, phụ đạo cho học trò yếu kém chuẩn bị bước vào năm học mới. Thầy Dăng đau đáu ánh mắt nhìn xa xăm, tâm sự "Tôi cũng là người miền núi, nên tôi muốn là chiếc cầu nối mang tri thức đến cho học sinh nơi đây. Hạnh phúc của mình là được nhìn các em trở thành người hiểu biết, để còn biết mua thuốc uống thay cho cúng vái mỗi khi ốm đau; muốn các em dùng cái chữ để thoát nghèo, trở về giúp đỡ quê hương".

Thầy giáo Trần Văn Tài - Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Sơn Lập, chia sẻ "Ở trường chúng tôi thầy Đinh Hồng Dăng là một người giáo viên lâu năm, luôn tận tụy với học trò. Thầy Dăng là đảng viên đầu tiên của trường, luôn đi đầu trong công tác giảng dạy và không ngừng tìm tòi, nắm bắt chuyên môn mới. Được sự tín nhiệm của mọi người, hiện thầy Dăng đang là bí thư chi bộ của trường. Thầy là một gương sáng trong công tác giáo dục tại miền núi từ ngày mới giải phóng đến nay".

Vượt qua gian lao, khó nhọc chốn núi rừng, ngọn đuốc thắp sáng tri thức cho học trò vùng cao- Đinh Hồng Dăng vẫn bền bỉ cháy với suy nghĩ "Nếu ai cũng chọn việc nhàn nhã thì việc khó, ai làm?"...

                  Bài, ảnh: Ý Thu

.