Bộ GD&ĐT công bố mức điểm sàn bằng năm ngoái

01:08, 08/08/2011
.

Sáng nay (8/8), Bộ GD&ĐT họp hội đồng tuyển sinh, xét điểm sàn đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) 2011. Theo đó, điểm sàn ĐH năm nay của khối A, D là 13 điểm, khối B, C: 14 điểm. Điểm sàn CĐ khối A, D: 10 điểm, của khối B, C: 11 điểm.
 
 Ảnh minh họa.Internet
Ảnh minh họa.Internet

Theo Bộ GD&ĐT, nguyên tắc chung xét điểm sàn là căn cứ kết quả thi đại học của thí sinh, Bộ xác định và công bố điểm sàn hệ ĐH, hệ CĐ đối với từng khối thi A, B, C, D. Điểm sàn không nhân hệ số.

Điểm trúng tuyển của các trường không được thấp hơn điểm sàn. Thí sinh có kết quả thi thấp hơn điểm sàn không được tuyển vào các trường sử dụng kết quả thi theo đề chung để xét tuyển.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh được xác định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số sinh viên dự bị của trường và sinh viên các trường dự bị đại học được phân về trường), căn cứ vào thống kê điểm do máy tính cung cấp đối với các đối tượng và khu vực dự thi, căn cứ vào quy định về khung điểm ưu tiên và vùng tuyển; căn cứ điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định, Ban Thư ký trình Hội đồng tuyển sinh trường xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển, để tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Các trường xây dựng điểm trúng tuyển chung, theo khối thi hoặc theo ngành đào tạo thích hợp.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh như sau: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm);

Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm nhưng không quá 1,5 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết.

Căn cứ nguyên tắc chung và quy định nói trên, các trường xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng theo quy định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỷ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng; không hạ điểm trúng tuyển. Những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định.

Các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao.

Bộ GD&ĐT xem xét chỉ đạo cụ thể một số trường và ngành đặc thù trong việc xây dựng điểm trúng tuyển và xét tuyển nhằm bảo đảm yêu cầu chất lượng và tỷ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng của thí sinh.
 
Theo TPO

.