Đôi điều bàn về truyện cho thiếu nhi hiện nay

02:06, 22/06/2011
.

(QNg)- Truyện tranh là một nhu cầu không thể thiếu của trẻ em, nhưng hiện nay, thể loại truyện tranh dành cho thiếu nhi với nội dung bạo lực, tình yêu có xu hướng ngày càng bùng nổ, khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Chỉ cần dạo quanh các điểm bán và cho thuê truyện tranh trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi hầu như ngày nào, bước vào bất kỳ một điểm nào, gian sách truyện thiếu nhi cũng đông khách. Chúng tôi ghé vào cơ sở cho thuê truyện tranh trên đường Phan Chu Trinh (TP. Quảng Ngãi), đang là thời điểm nghỉ hè, nên lượng độc giả nhí đến rất đông.  Đã hơn 11h trưa nhưng hơn 10 cô cậu nhỏ đủ mọi lứa tuổi vẫn ngồi dán mắt vào những cuốn truyện. Lướt mắt nhìn qua những cuốn truyện mà các em đang đọc, những từ tượng thanh mang tính bạo lực kèm theo những hình ảnh đấm, đá, chém, giết... bao trùm cả cuốn truyện. Không khí đang yên tĩnh bỗng ở góc cuối phòng, một cậu bé la lên có vẻ thích thú, phá vỡ sự im lặng vốn có. Thì ra nhân vật chính trong truyện mà cậu ta đang đọc, đã tiêu diệt được kẻ thù.
 
 Những truyện tranh có tính bạo lực, tình yêu đang lôi cuốn nhiều thanh thiếu niên.
Những truyện tranh có tính bạo lực, tình yêu đang lôi cuốn nhiều thanh thiếu niên.

Nhìn quanh các gian sách ở cơ sở cho thuê truyện này không khó để chúng tôi tìm được những cuốn truyện tranh thiếu nhi có nội dung bạo lực. Chủ cơ sở này cho biết: Đa số khách hàng đến đây chủ yếu tìm đọc và thuê những cuốn truyện nội dung mang tính chất hành động, thế giới của những siêu nhân giả tưởng, cùng các hình ảnh của "xã hội đen", nhất là truyện tranh Nhật Bản. Những cuốn truyện tranh nước ngoài mang tính bạo lực như: Thám tử kỳ tài, Thiên thần và ác quỷ, Rồng ma trận, Chú bé rồng, Hiệp khách giang hồ rất được nhiều độc giả nhí đến tìm đọc.    

Nắm bắt thị hiếu của độc giả, nhiều chủ cơ sở cho thuê truyện không ngần ngại mua về những cuốn truyện mà nội dung sặc mùi bạo lực. Bên cạnh nội dung bạo lực, một số truyện tranh nước ngoài còn có những pha tình cảm vượt quá giới hạn của tuổi thơ như, trong cuốn "Thuỷ thủ mặt trăng", Shin - cậu bé bút chì... Và còn không ít những cuốn truyện kể về chuyện yêu đương, tình cảm tuổi học trò như: Trường nữ sinh, Công chúa nhân ngư...

Điều đáng lo ngại là các em thiếu nhi tìm đọc những loại sách này khá đông. Cho đến nay không phải không có những truyện có nội dung tốt, bổ ích đối với các em, nhưng phải nhìn nhận rằng gần như các em ít quan tâm đến.

Tại cửa hàng sách của Siêu thị CoopMart có hẳn một gian bày bán những truyện cổ tích, truyện dân gian Việt Nam, truyện có nội dung giáo dục bằng thể loại truyện tranh như: Thần đồng đất Việt, Trạng Quỳnh nhưng rất ít em nhỏ đến xem và mua.

Trong khi đó ở gian sách đối diện bày bán các loại truyện tranh nước ngoài, lại rất đông các em thiếu nhi đến đọc. Tất nhiên trong một mức độ nhất định thì không thể phủ nhận một số tác dụng tích cực mà nội dung các truyện tranh này mang lại đối với thiếu nhi. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một số điều chưa ổn. Nhiều cuốn quá đi sâu vào việc miêu tả những cảnh đấm đá, giết chóc, lạm dụng quá nhiều ngôn từ vô văn hoá, cộc lốc, không lành mạnh, khiến nhiều phụ huynh khi lựa chọn mua sách cho con lo lắng. Việc chọn lựa những cuốn sách hay, bổ ích cho trẻ đang khiến các bậc phụ huynh đau đầu.

Đang chọn mua sách tại nhà sách Siêu thị Quảng Ngãi để cho cậu con trai đọc trong dịp hè, chị Nguyễn Thị Lan Phương bày tỏ: Truyện tranh dành cho thiếu nhi hiện nay sao mà bạo lực nhiều quá. Nhiều truyện những cái đáng học tập không nhiều, trong khi cái vô bổ, nhảm nhí, thậm chí độc hại lại nhan nhản.

Có lẽ cũng chính vì để có doanh thu cao, mà nhiều truyện tranh có tính chất "câu khách" bất chấp nội dung, tác dụng giáo dục ra sao, vẫn đua nhau ra " lò". Phải chăng những bộ truyện tranh đầy tính bạo lực này đã góp phần vào sự phát triển hành vi bạo lực học đường?

Thiết nghĩ, đây là một vấn đề rất cần được sự quan tâm không chỉ của ngành văn hóa thể thao mà là của toàn xã hội, để quản lý và góp phần làm trong sạch thị trường truyện tranh- một trong những kênh giải trí chính của thanh thiếu niên hiện nay.

Bài, ảnh: Ngọc Đức

.