Kỷ niệm khó quên

10:03, 16/03/2011
.

(QNg)- Đó là những tháng ngày đầy nước mắt và nụ cười của hai cô giáo đầu tiên dạy học cho trẻ khuyết tật ở Quảng Ngãi (cô giáo Bùi Thị Kim Khánh và Nguyễn Thị Nhi - giáo viên Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh). Họ vừa là cô giáo, vừa như thể người mẹ hiền, chịu thương chịu khó, dạy trẻ khuyết tật từ cách thức ăn uống, ngủ nghỉ cho đến lời nói, cử chỉ… để các cháu hòa nhập cộng đồng.

Chúng tôi gặp gỡ hai cô giáo đầu tiên dạy học cho trẻ khuyết tật ở Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh vào một ngày đầu tháng 3. Đó là cô giáo Bùi Thị Kim Khánh (45 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong) và Nguyễn Thị Nhi (39 tuổi, ở phường Chánh Lộ, Tp.Quảng Ngãi). Câu chuyện và những hình ảnh đầy tình yêu thương, gian lao vất vả xen lẫn niềm hạnh phúc trào dâng của hai cô giáo đầu tiên dạy học cho trẻ khuyết tật ở tỉnh ta, khiến chúng tôi không khỏi xúc động. 
 
Cô giáo Bùi Thị Kim Khánh và Nguyễn Thị Nhi chụp ảnh kỷ niệm cùng học trò.
Cô giáo Bùi Thị Kim Khánh và Nguyễn Thị Nhi chụp ảnh kỷ niệm cùng học trò.

Câu chuyện kể đầu tiên của cô giáo Nguyễn Thị Nhi khiến cho ai nấy đều rơm rướm nước mắt. "Hôm nay chúng ta học bài: Vì sao con cá không biết nói?" - cô giáo Nguyễn Thị Nhi bắt đầu tiết giảng bài. Đây là lớp học đặc biệt dành cho học sinh khiếm thính nên ngôn ngữ cũng đặc biệt, đó là cả cô và trò đều sử dụng ký hiệu ngôn ngữ.
 
Cô giáo bảo các loài vật xung quanh ta như con cá, con bò, con gà… đều không biết nói. Bỗng, một em học sinh nữ tên Ngân giơ tay phát biểu: "Em không biết nói, em là con bò…"! Cô giáo Nhi quay mặt đi nơi khác, cố kiềm nén nỗi xúc động, ấy vậy mà nước mắt cứ chảy ròng. Cô thút thít bảo: "Không. Em Ngân biết nói, chỉ là do tai em không nghe được". "Không. Em không biết nói", bé Ngân vùng vẫy. Cô giáo Nhi viết trên bảng đen: "bò", "bàn", ghế"… "Em Ngân hãy đọc theo cô nào", cô Nhi bảo. Bé Ngân cố gắng tròn miệng đọc theo cô giáo: "ò", "àn", "ế"… Cả lớp vỗ tay hoan hô. Bé Ngân cười nũng nịu, còn cô giáo Nhi thì vẫn không sao ngớt nước mắt vì quá đỗi thương học trò, thương cho số phận bất hạnh mà các em phải gánh chịu. Vâng, chỉ có xuất phát từ tình yêu nghề mến trẻ, thương học trò như chính những đứa con ruột thịt của mình mới có thể giúp cô giáo Nhi và cô giáo Khánh vượt qua mọi khó khăn, để rồi hàng ngày, hàng giờ dạy bảo, chăm sóc các cháu.

Ngày mà Trường Giáo dục trẻ khuyết tật mới thành lập (năm 2006) chỉ có hai cô giáo, nhưng phải đứng lớp giảng dạy cho 20 đứa trẻ với đủ dạng tật (câm, điếc, tật vận động, bệnh đao…". Chương trình giảng dạy chủ yếu do nhà trường tự xây dựng vì Bộ GD&ĐT chưa có hướng dẫn. Mọi thứ đều rất bỡ ngỡ, từ chương trình giảng dạy, ngôn ngữ, tính nết và hành vi khác thường của học trò… Những học trò "đặc biệt" này, ngày đầu đến lớp chẳng hiểu vì sao gọi là cô giáo.
 
Để xây dựng một lớp học hoàn chỉnh, để học trò nghe và hiểu lời cô giáo dạy là cả một quá trình đầy mồ hôi, nước mắt của cả cô và trò. Cô giáo Bùi Thị Kim Khánh, bộc bạch: "Lúc đầu công tác giảng dạy vất vả vô cùng. Vì là học trò khuyết tật, không biết ký hiệu ngôn ngữ nên lúc đầu cô giáo không hiểu tính nết trò, mà trò cũng không hiểu cô giáo muốn nói gì. Hai tháng đầu giảng dạy, chị và cô giáo Nhi sút cân đến gần 5 kí-lô-gam".

Cô giáo Khánh con cái đã lớn nên cũng đỡ lo toan việc gia đình, yên tâm giảng dạy. Với cô giáo Nhi, những ngày ấy tưởng chừng như không vượt qua nổi vì con trai đầu lòng mới 6 tháng tuổi. Suốt ngày ở trường, tối đến cô giáo Nhi vừa chăm con nhỏ, vừa soạn rất nhiều giáo án và học ký hiệu ngôn ngữ để ngày hôm sau lên lớp dạy cho những học trò "đặc biệt".
 
Ngày ấy, hai cô chẳng những phải lo công việc giảng dạy, mà trưa nào cũng phải cho trẻ ăn, để trẻ ngủ yên giấc rồi mới về nhà lo toan việc gia đình. Có hôm đã quá 12 giờ trưa, hai cô giáo chuẩn bị về nhà thì một học sinh bị bệnh đao bỏ chạy ra khỏi trường học. Thế là cả hai vội bỏ túi xách, giầy dép chạy theo giữ học trò. Đến khi "bắt" được học trò thì hai cô bị em ấy "cho" cái tát mạnh như trời giáng. Hai cô giáo nghẹn ngào chẳng nói được lời nào, mà thay vào đó là hai mắt ngân ngấn nước. "Lúc đó thấy thương học trò mình nhiều hơn, bởi lẽ em là đứa trẻ bất hạnh trong cuộc đời này, chỉ vì em chưa quen với thế giới đông người…", cô giáo Khánh chia sẻ.

Gian lao, khó nhọc mà hai cô giáo Bùi Thị Kim Khánh và Nguyễn Thị Nhi gặp phải rồi cũng được bù đắp bằng những nụ cười và ánh mắt thân thương của học trò. Trải qua thời gian, các em cũng nhận biết được tình thương của cô giáo dành cho mình, hiểu được thế nào gọi là cô giáo, hiểu được các ký hiệu ngôn ngữ…
 
Ngày nào cũng vậy, các em ngồi "canh", hễ thấy cô giáo Nhi và cô Khánh vừa đến cổng trường, cả 20 học sinh ùa ra đón cô giáo. Đứa xách túi xách, đứa cầm nón, đứa thì đòi dắt xe cho cô giáo… Cô giáo Nhi cười hiền, bảo: "Đây là kỷ niệm hạnh phúc và vui mà hai chị em nhớ nhất. Chỉ có giảng dạy những học sinh đặc biệt mới có được hạnh phúc đặc biệt này". Và chính tình yêu thương học trò nên đã giữ chân hai cô giáo ở lại trường mãi đến hôm nay.

Bài, ảnh: Phương Lý

.