Chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập: Chậm chuyển đổi, học sinh và giáo viên chịu thiệt

02:03, 23/03/2011
.

(QNg)- Trong khi nhiều trường mầm non trong tỉnh hoạt động theo cơ chế trường mầm non công lập, thì hàng chục trường mầm non ở 2 huyện Tư Nghĩa và Sơn Tịnh vẫn hoạt động theo "kiểu" bán công. Điều này gây bất hợp lý, cũng như thiệt thòi cho giáo viên và học sinh. 

Đề án chuyển đổi trường mầm non bán công sang loại hình trường công lập được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt vào cuối tháng 9/2010. Hàng chục nghìn giáo viên, phụ huynh học sinh ở bậc học mầm non phấn khởi trước quyết định mang tính đột phá này. Quảng Ngãi có đến 120 trường mầm non bán công (với hơn 25.000 học sinh và hơn 1.300 giáo viên). 
 
Bởi lẽ hoạt động theo cơ chế bán công, chính quyền địa phương thiếu quan tâm đầu tư, nên phần lớn cơ sở vật chất của trường mầm non bán công bị xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Chuyển sang cơ chế công lập, các trường học này sẽ được quan tâm đầu tư đúng mức hơn, góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới.
 
Trường mầm non bán công ở huyện Sơn Tịnh vẫn chưa được chuyển đổi sang công lập.
Trường mầm non bán công ở huyện Sơn Tịnh vẫn chưa được chuyển đổi sang công lập.

Theo quyết định của UBND tỉnh thì, đến ngày 1/1/2011 tất cả các trường mầm non bán công thuộc khu vực nông thôn, miền núi hoạt động theo cơ chế loại hình trường công lập. Riêng đối với khu vực thị trấn đồng bằng và thành phố Quảng Ngãi thì đến ngày 1/1/2010, các trường mầm non bán công bắt đầu chuyển sang hoạt động theo cơ chế loại hình trường công lập.

Hiện nay nhiều trường mầm non bán công ở khu vực nông thôn, miền núi đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế công lập. Song vẫn còn 2 huyện chưa tiến hành chuyển đổi (Tư Nghĩa và Sơn Tịnh). Tính ở cả 2 huyện có đến hơn 40 trường mầm non bán công vẫn chưa được UBND huyện "cho phép" hoạt động theo cơ chế công lập.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Phu-Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ các huyện có trách nhiệm tham mưu, xây dựng đề án để UBND huyện phê duyệt và triển khai thực hiện. Việc chậm chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập dẫn đến thiệt thòi cho giáo viên và học sinh. Học sinh ở trường mầm non bán công đóng học phí ở mức cao hơn so với mức học phí UBND tỉnh mới ban hành đối với trường công lập; giáo viên không được hưởng chế độ phụ cấp đứng lớp như giáo viên trường công lập". 

Huyện Sơn Tịnh có 20 trường mầm non bán công phải thực hiện chuyển đổi sang loại hình trường công lập, với tổng số hơn 3.600 học sinh và trên 200 giáo viên. Vì huyện Sơn Tịnh chậm chuyển đổi sang loại hình trường công lập, nên học sinh ở các trường mầm non bán công ở huyện phải đóng mức học phí 40.000đ/tháng/học sinh (học sinh ở các trường mầm non công lập chỉ đóng học phí 25.000đ/tháng/học sinh). Riêng đối với giáo viên các trường chưa chuyển đổi sang công lập, vì không thuộc biên chế Nhà nước, nên không được hưởng phụ cấp đứng lớp (35% của mức lương) như giáo viên trường công lập.

Bà Dương Thị Thu Thủy-Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh giải thích: "Phòng đã xây dựng xong đề án chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập, đã trình UBND huyện từ tháng 12/2010, nhưng đến nay huyện vẫn chưa phê duyệt. Phòng rất mong UBND huyện sớm phê duyệt đề án để giáo viên và học sinh được hưởng các chế độ chính sách dành cho trường công lập".

Hàng trăm giáo viên và hàng nghìn học sinh ở 2 huyện Tư Nghĩa và Sơn Tịnh đang mong chờ UBND huyện phê duyệt đề án chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập...

Bài, ảnh: Phương Lý

.