Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hướng đi mới, nhưng còn nhiều khó khăn

09:12, 27/12/2010
.
(QNg)- Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ đầu năm 2010. Sau gần một năm thực hiện, nhiều địa phương ở tỉnh ta đang tích cực triển khai và bước đầu có những kết quả khả quan. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc cần được tập trung tháo gỡ.

Với trên 25 cơ sở đào tạo nghề (cả trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và bậc cao đẳng, đại học) cùng đội ngũ giảng viên đông đảo, tỉnh ta đang dần trở thành một trung tâm đào tạo tốt cả về chất lượng lẫn số lượng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
 
Lao động nông thôn tìm kiếm việc làm tại hội chợ việc làm.
Lao động nông thôn tìm kiếm việc làm tại hội chợ việc làm.

Trước khi có Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn từ 2006 đến 2009 các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh đã đào tạo được hơn 44.000 lao động, với các bậc tay nghề phổ thông và trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp...

Để đào tạo được đội ngũ lao động như vậy, chưa tính các nguồn của các cơ sở dân lập và xã hội hoá khác, chỉ riêng ngân sách Nhà nước đã đầu tư hơn 30 tỉ đồng. Ước tính trên 70% số lao động sau đào tạo tại đây đều đã tìm được việc làm và có thu nhập ổn định. Vì vậy khi tiếp nhận Chỉ thị và bắt tay xây dựng "Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn giai đoạn từ nay đến 2020" theo Quyết định số 1956 tỉnh ta có nhiều điều kiện thuận lợi. Ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: "Về mặt thuận lợi có thể nói trong suốt thời gian qua cả hệ thống chính trị của tỉnh đều rất quan tâm và ưu tiên đúng mức cho công tác đào tạo nghề nói chung và cho đối tượng lao động nông thôn nói riêng. Đặc biệt là Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh thường xuyên quan tâm, đôn đốc và kiểm tra công tác đào tạo nghề đối với hệ thống công lập và cả ngoài công lập... Mục tiêu đến năm 2020 tỉnh ta sẽ  đào tạo lực lượng lao động ước tính từ 14.000 - 15.000 người/năm.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình là khuyến khích người dân thực hiện chủ trương "ly nông, bất ly hương", phấn đấu có ít nhất 80% số lao động sau khi đào tạo có việc làm ổn định. Nếu đạt được mục tiêu đó thì quả là "cơ hội vàng" cho lao động nông thôn, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để các địa phương chuyển dịch, tăng tốc trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tiễn của các địa phương trong tỉnh cho thấy, việc triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn những bất cập, cần được tập trung tháo gỡ.

Hiện nay, Đề án Quy hoạch mạng lưới dạy nghề trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề (gọi chung là cơ sở dạy nghề) trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 đã được xây dựng nhưng chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt và ban hành. Việc triển khai các bước của kế hoạch ở tỉnh ta còn chậm, nhất là sự tham gia góp ý của các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo vào Dự thảo: Kế hoạch triển khai Quyết định 1956, chế độ hoạt động của Ban chỉ đạo, Chỉ thị của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Quá trình đề nghị phê duyệt và phân bổ kinh phí tại địa phương còn chậm, dẫn đến việc tổ chức Hội nghị triển khai và tập huấn khảo sát, điều tra và dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương bị chậm trễ.

Những năm qua mặc dù đã có nhiều cố gắng, song phải nhìn nhận một thực tế là công tác đào tạo nghề, tạo việc làm trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn hạn chế. Đó là đầu vào các cơ sở dạy nghề còn thấp, quy mô nhỏ hẹp; cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên phục vụ dạy nghề thiếu. Bên cạnh đó là những khó khăn xuất phát từ chính bản thân những người cần đào tạo nghề. Từ trước tới nay nông dân đã quen với cách sản xuất truyền thống, nên dù được cán bộ truyền đạt và hướng dẫn tận tình, nhưng sau khi học, rất nhiều bà con lại quay về với cách làm cũ hoặc vẫn duy trì thói quen ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Lao động nông thôn tham gia học nghề hầu hết tuổi cao, trình độ học vấn thấp, điều kiện giao thông đi lại khó khăn cùng với tâm lý lo ngại sau khi đi học không tìm được việc làm, không có vốn... đã hạn chế đáng kể mục tiêu của chương trình, cũng như sự tham gia tự giác, nhiệt tình của người có nhu cầu học tập. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trên cả nước trong quá trình triển khai Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Vì vậy, để Chương trình được triển khai nhanh và hiệu quả vào thực tiễn, các địa phương cần có kế hoạch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách sâu rộng và thường xuyên để người dân không chỉ hiểu, tin tưởng mà còn tính toán cụ thể để có thể chọn được ngành, nghề phù hợp.

Thời gian qua, chi phí sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp an toàn tăng cao, lại tốn nhiều thời gian chăm sóc hơn, nên nông dân có phần đắn đo khi thực hiện những nghề đã học. Do vậy để công tác dạy nghề cho nông dân đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng với chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, cũng như sau khi được đào tạo nghề, cần quan tâm hỗ trợ cho nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất. Như vậy chỉ khi người nông dân hiểu, tin tưởng và tự nguyện gắn bó với Chương trình, mới bảo đảm cho họ có thu nhập và đời sống ổn định từ nghề đã được đào tạo.

Bài, ảnh: Xuân Hiếu

.