Rớt đại học... thẳng tiến trường nghề

09:08, 25/08/2010
.

(QNg)- Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn trong kỳ thi đại học vừa qua, hàng trăm thí sinh tự biết không thể qua cánh cửa đại học và khá nhiều bạn đã nhanh chân chọn cho mình con đường khác để vào đời: Học nghề. 

Nhiều ngành nghề để lựa chọn...
Nguyễn Thanh Tú (học sinh khóa 2007-2010) lớp điện công nghiệp đang hớn hở vì sắp nhận bằng tốt nghiệp tại Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi. Tú cho biết: "Năm thi rớt đại học em cũng buồn và chán nản, nhưng biết sức học mình có thi nữa cũng khó đỗ, rồi bạn bè khuyên, nên em nộp đơn đi học nghề. Em nghĩ rằng, làm nghề gì cũng được, miễn là giỏi thì sẽ có lương cao". Hiện Tú đang thực tập tại Công ty điện tử FOSTER Đà Nẵng với mức lương khá cao: 4 triệu đồng/tháng.
 
Chọn nghề thị trường đang cần như: Cơ khí, gò hàn... là điều học sinh tốt nghiệp THPT nên lưu tâm.
Chọn nghề thị trường đang cần như: Cơ khí, gò hàn... là điều học sinh tốt nghiệp THPT nên lưu tâm.

Còn với Trịnh Văn Vinh - học sinh lớp điện-điện tử  (khóa 2007-2010) Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi thì: Học nghề điện tử là niềm mơ ước của em. Em muốn trở thành thợ giỏi để kiếm thật nhiều tiền phụ giúp bố mẹ. Vinh cũng đang thực tập tại Công ty Điện tử FOSTER Đà Nẵng, cũng với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Đến Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi vào những ngày này, chúng tôi gặp khá đông các em đang nộp hồ sơ vào trường.

Lê Thị Mai (Tịnh Sơn, Sơn Tịnh) cho biết: "Vừa qua em có thi vào Trường đại học sư phạm Đà Nẵng nhưng kết quả không được như ý muốn liền nộp đơn vào Trường trung cấp nghề. Ở đây có khá nhiều ngành rất hấp dẫn để chọn lựa, em chọn nghề may và thiết kế thời trang, vì nó hợp với em hơn".

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng trên 20 cơ sở dạy nghề, với khá nhiều ngành nghề để có thể chọn lựa như: Kế toán doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, điện công nghiệp, sửa chữa cơ khí động lực... Trong năm 2010 hệ thống các trường nghề trong tỉnh sẽ tuyển khoảng  6.000 chỉ tiêu cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề. Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi (thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh) năm nay tuyển khoảng 600 em học trung cấp nghề, 400 em sơ cấp nghề.

Đến thời điểm này, trường đã nhận khoảng 350 hồ sơ, chủ yếu là các nghề: cơ khí, điện, may và xây dựng. Tại đây các em có thể lựa chọn 12 ngành nghề như: Cắt gọt kim loại, điện nhiệt lạnh, sửa chữa thiết bị may... Năm nay trường đào tạo thêm 2 nghề mới là: Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, tin học văn phòng. Với thời lượng thực hành chiếm trên 75%, học viên của trường còn được thực tập tại các công ty trong và ngoài tỉnh.

Vì là trường công lập, nên mức học phí của trường khá "mềm" từ 80-100 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra đối với diện con gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo... còn được miễn, giảm học phí. Những học sinh giỏi còn được xét cấp học bổng khuyến khích học nghề, học bổng chính sách và học bổng do các doanh nghiệp tài trợ.

Học nghề gì dễ xin việc?
Nhu cầu học nghề của các em hiện nay khá lớn, song việc định hướng chọn ngành nghề chưa phù hợp. Hầu như các em đều chọn nghề theo sở thích, nên dẫn đến tình trạng việc nhiều mà các em đều than là không tìm được việc. Qua nhiều cuộc khảo sát cho thấy, các ngành khối kỹ thuật, xây dựng, may công nghiệp... thiếu nhân lực trầm trọng. Bởi vậy hầu hết các em tốt nghiệp những ngành may công nghiệp, cơ khí gò hàn, chế biến gỗ, mộc dân dụng có đến 95% ra trường tìm được việc làm. Cũng bởi "lệch pha" như vậy, nên khi học xong chủ yếu ở các nghề thuộc khối kinh tế, văn phòng, lại phải lặn lội tìm việc nơi đất khách quê người, trong khi các doanh nghiệp Quảng Ngãi không thể tuyển dụng được.

Bên cạnh đó các đơn vị dạy nghề cũng cần nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thị trường, để hướng vào những ngành nghề xã hội đang cần chứ không phải những cái mình đang có để đào tạo hiệu quả. Mặt khác việc liên kết đào tạo, đào tạo theo đơn đặt hàng cần được đẩy mạnh hơn để các em có thể tìm được việc sau khi học xong.

Thầy Trịnh Minh Đức-Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi cho biết: "Hằng năm trường cho "ra lò" khoảng 450 em, trong đó có đến 90% các em có việc làm. Đó là nhờ trường đã đào tạo nghề theo hướng cung cấp lao động cho các khu công nghiệp trong tỉnh, KKT Dung Quất và các khu công nghiệp phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...).

Trường đã liên kết, ký hợp đồng hàng năm với một số trung tâm giới thiệu việc làm, để giúp các em chọn được ngành nghề phù hợp". Đã có khá nhiều học viên học nghề xong, được nhận ngay vào làm tại các nhà máy như: Nguyễn Trần Tình - Tổ trưởng tổ Cắt - May, Lê Quang Sơn - Phòng Kỹ thuật thuộc Nhà máy may Dung Quất (thuộc Công ty Vinatex Đà Nẵng) với mức lương: 3.500.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh đó với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, muốn nhanh chóng tham gia thị trường lao động để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình có thể học các lớp đào tạo ngắn hạn của Trung tâm dạy nghề Thanh niên Tỉnh đoàn với những nghề như: May công nghiệp, tin học văn phòng, photo shop, mây tre đan...

Khu Kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp trong tỉnh, KKT mở Chu Lai đang phát triển và có sức hút lớn về lao động. Vậy nên cơ hội tìm được việc với mức lương khá vẫn đang mở ra với những bạn trượt đại học, nhưng biết tìm cho mình 1 nghề phù hợp.

     Bài, ảnh: Phương Trà

.