Ngô Bảo Châu - Người bắc cầu

08:08, 19/08/2010
.
 Thanh Thảo

(QNĐT)- Đúng ngày này 65 năm trước, Cách mạng tháng Tám nổ ra ở Hà Nội và thành công, chấm dứt chế độ thực dân thuộc địa Pháp kéo dài hơn 80 năm ở Việt Nam, giải phóng những năng lượng tiềm tàng trong mỗi người dân Việt Nam đang vươn tới Tự Do và Độc Lập.
 
Vào hồi 14 giờ 15 phút (giờ Việt Nam) ngày 19/8 năm nay, 2010, Giáo sư toán học người Việt Nam Ngô Bảo Châu bước lên bục vinh quang của Toán học thế giới khi nhận được giải Toán học danh giá nhất, giải Fields, cho công trình “chứng minh bổ đề cơ bản trong chương trình Langlands”.
 
Giáo sư Ngô Bảo Châu
Giáo sư Ngô Bảo Châu
 
Công trình toán học của Ngô Bảo Châu được giới toán học thế giới đánh giá là bước đột phá  mở ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực toán học, một cuộc cách mạng không nhằm phá hủy mà nhằm bắc những chiếc cầu giữa các ngành toán học khác xa nhau, để bất cứ một bài toán chưa giải được trong một lĩnh vực nào đều có thể biến đổi thành một bài toán tương tự trong một lĩnh vực khác, và có thể huy động mọi kỹ thuật để giải nó. Nếu bắc được những chiếc cầu tới hợp nhất này, thì đây sẽ thực hiện giấc mơ tìm kiếm sự thống nhất vĩ đại huy hoàng trong toán học.
 
Một thế  kỷ trước, Albert Einstein vĩ đại đã tìm kiếm sự hợp nhất này giữa lý thuyết tương đối hẹp và lý thuyết tương đối rộng của ông nhằm đưa nhân loại “sờ” tới những tầng vô biên của Vũ trụ.
 
Thành công mang tầm vóc thế giới của Ngô Bảo Châu mà  huy chương Fields chứng thực hôm nay không phải từ trên trời rơi xuống. Nó là kết quả tiếp nối từ sự tận tụy hiến mình vô song cho toán học của những thế hệ các nhà toán học Việt Nam suốt 65 năm qua, những nhà toán học đã bắc được chiếc cầu hợp nhất giữa toán học và lòng yêu nước,  giữa những con số huyền ảo và miếng cơm manh áo của người dân Việt Nam trải qua hai cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
 
Và chúng ta tự hỏi: Vì sao giải thưởng Fields không rơi vào tay một nhà toán học Trung Quốc-nước đông dân nhất thế giới và có một đội ngũ  những nhà toán học tài ba? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời, dù bài toán này đã có nghiệm số.
 
Đúng 30 năm trước, vào mùa thu 1980, một nghệ sĩ đàn piano Việt Nam đã bước lên bục cao nhất trong cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin tổ chức tại Warszawa-Ba Lan. Năm đó nghệ sĩ Việt Nam mới 22 tuổi. Đó là danh cầm Đặng Thái Sơn mà ngày nay thế giới âm nhạc bác học đã quen tên.
 
30 năm sau, một nhà toán học Việt Nam, người đã tạo những chuỗi con số đẹp như những chuỗi nốt nhạc và bắc chúng thành chiếc cầu kết nối những “bến bờ toán học” trong “Chương trình Langlands”-một thuyết tương đối rộng trong Toán học-nhà toán học-nghệ sĩ ấy cũng đã bước lên bục cao nhất của Toán học thế giới. Và anh vừa 36 tuổi. Âm nhạc và toán học không chỉ dành cho người trẻ tuổi, nhưng nó lại thường bùng phát năng lượng từ tuổi trẻ.
 
Thành công của Ngô Bảo Châu nhất định sẽ gây ra những “phản ứng dây chuyền” nhằm giải phóng năng lượng cho những nhà toán học trẻ Việt Nam đang khát khao làm những cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực toán học. Và cũng là cơ hội để nền giáo dục Việt Nam tự nhìn lại mình nhằm quyết liệt thay đổi trong một thế giới thường hằng thay đổi.
 
Ngô Bảo Châu-người bắc cầu ấy là một nhà cách mạng. Một nhà cách mạng-bắc-cầu, trong toán học và ngoài toán học./.

.