Cha mẹ cần quan tâm khi trẻ bước vào lớp mẫu giáo

10:08, 21/08/2010
.

(QNg) - Khi trẻ em vào học mẫu giáo là ở độ 3-5 tuổi, làm thế nào để giúp các em tiếp thu tốt  là việc làm hết sức quan trọng trong cả quá trình hình thành cho các em về những khái niệm ban đầu của bậc học mầm non. Vậy các bậc cha mẹ cần phải trang bị cho con em đến trường như thế nào?

Ảnh: aie.edu.vn
Ảnh: aie.edu.vn
 
Để có sự phát triển bình thường về tâm lý, sinh lý cho các em nhằm tiếp thu tốt chương trình học do Bộ GD-ĐT đã quy định như: Làm quen với các mẫu chữ cái, biết ký hiệu các số tự nhiên, làm quen với môi trường xung quanh, những điều các em được gần gũi như: Thầy, cô giáo, bạn bè… thì hiện nay có nhiều bậc cha mẹ chủ trương cho con học trước tuổi, bỏ qua giai đoạn mẫu giáo mà lên thẳng lớp 1, thậm chí còn cho trẻ học chữ, học toán sớm hơn, để con mình sẽ học giỏi hơn.
 
Nhưng thực tế cho thấy, không phải em nào học sớm đều là học giỏi cả (trừ trường hợp những em tỏ ra vững vàng khi tiếp thu bài giảng là do đã tiếp thu được lần trước, hoặc những em có năng khiếu đặc biệt). Theo các chuyên gia tâm lý và Bộ GD-ĐT, các em học chữ, toán trước 6 tuổi đều chưa có lợi. Vì khi vào lớp 1 các em đều đã học trước đó, nên không hứng thú khi nghe giảng bài. Có những em đâm ra chủ quan không chịu tích cực trong học tập.

Như vậy chuẩn bị cho trẻ vào mẫu giáo không phải là cho trẻ học trước về chương trình sẽ phải học sau này, mà cần quan tâm đến con em mình ngay từ khi bước vào lớp mẫu giáo và điều mà cha mẹ cần nắm bắt là: Không nên khoán gọn việc học của con cho thầy, cô giáo, mà thường xuyên theo dõi, phối hợp với nhà trường, giáo viên phụ trách lớp để hướng dẫn con em học đúng yêu cầu "học vừa sức".
 
Học sinh mẫu giáo thực hiện bước chuyển tiếp từ hoạt động vui chơi với tư cách là hoạt động chủ đạo, sang tập luyện cho trẻ em từng bước làm quen với học như: Cách sử dụng các đồ dùng học tập, viết, mực và cách ngồi viết… Chuẩn bị về mặt tâm lý cho trẻ, để thích ứng với cuộc sống ở nhà và sinh hoạt ở trường, khơi dậy ở trẻ lòng ham học.

Đa số những em biết ham thích, hiếu động học tập thường thì rất mong được đến lớp vui chơi với bạn bè đồng lứa. Cha mẹ cần hướng cho trẻ từng bước làm quen với hoạt động học tập sau này, có thói quen chủ động chuẩn bị đến trường sắp xếp đồ dùng học tập và cặp, đi học đúng giờ; tạo cho các em hiểu các mối quan hệ trong gia đình, thông qua hoạt động vui chơi như chào cô giáo, người lớn, tập kể chuyện, múa hát, "thi bé khéo tay", "an toàn giao thông"…
 
Trong thời gian học mẫu giáo, cha mẹ cần chủ động việc đưa đón trẻ đi học và về đúng thời gian. Các bậc cha mẹ cũng không quên chú ý hình thành cho trẻ những đức tính ngăn nắp, gọn gàng, vệ sinh cơ thể; cần giành riêng cho trẻ một góc học tập, có bàn ghế thích hợp vừa tầm. Đây là việc làm hết sức cần thiết, để giúp các em tự học tập, rèn luyện thói quen tốt.

Trẻ vào mẫu giáo đã có hướng phát triển, nên các bậc cha mẹ cần tạo cho các em có nhiều niềm vui học tập, sử dụng những câu nói đơn giản trong giao tiếp bạn bè, áp dụng phương pháp “học mà chơi, chơi mà học”.

Công việc chuẩn bị về mặt tâm lý cho trẻ đến trường cần được tiến hành thường xuyên suốt cả thời gian học mẫu giáo. Bởi vì ngày đầu tiên đến trường sẽ để lại dấu ấn duy nhất trong đời các em. Việc chuẩn bị chu đáo  cho các em vào mẫu giáo là tạo cho trẻ những kiến thức cơ bản ban đầu, để các em chuẩn bị bước lên học lớp đầu cấp của bậc tiểu học.

 Lương Hữu Nhơn

.