Tết xa quê của du học sinh

06:02, 14/02/2010
.

Khi ở Việt Nam, các gia đình đang chuẩn bị đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm thì những du học sinh lại bồi hồi nhớ về quê hương, nhớ về những cái Tết tuy mộc mạc giản dị nhưng đầy ắp tình yêu thương.
 
Không có lá dong để gói bánh chưng, nguyên vật liệu để làm bánh Tét, cốm Tết, càng không có hoa mai, hoa đào đang nở rộ như ở tại Việt Nam. Những du học sinh lại vẫn phải lo cho việc học, việc làm thêm nhưng họ vẫn luôn cố gắng tạo chút không khí Tết để phần nào quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Điều đó, tuy giản dị nhưng lại rất đỗi thiêng liêng đối với những nguời con xa xứ mỗi dịp tết đến, xuân về.
 
Tết đến lại nhớ quê
 
Năm nay là năm đầu tiên Trần Thị Hàn Ni (đang du học tại trường CĐ cộng đồng North Seattle) không được đón Tết với gia đình. Lần đầu đón tết xa nhà đối với Ni lẫn lộn nhiều cảm xúc. Các bạn trong phòng mỗi người đều tìm một món ăn Tết để chia sẻ lẫn nhau. Ni làm món chả giò, bánh tráng mua ở khu người Hoa, cuốn bể lên bể xuống, vậy mà được khen nức nở.
 
 
 
 
Ni tâm sự, với em đây là một cái tết xa nhà đầu tiên không có người thân bên cạnh. Em nghĩ, bốn năm du học, thời gian sẽ rất dài, nhưng quan trọng nhất là bây giờ, em đã thực sự thấm thía ý nghĩa hai chữ quê hương. Bây giờ em vẫn nhớ mãi hương vị Tết cổ truyền ở quê mình, đó là một trong những dịp hiếm hoi để mỗi người chúng ta về sống trong tình cảm ấm áp của gia đình. Có lẽ, những du học sinh sống xa nhà như em sẽ cảm nhận rõ ràng nhất niềm hạnh phúc của ngày Tết bên cạnh gia đình.
 
Đó còn là niềm vui sum họp, dọn nhà cửa, làm bánh mứt, trang trí cây mai, cây đào. Ở xa mới cảm nhận được sự khao khát được về bên mái ấm gia đình, được về quê hương sau những tháng ngày học tập xa tổ quốc rạo rực, da diết như thế nào.
 
Còn với Phan Quỳnh Trâm (du học sinh trường ĐH Tổng hợp Belgorođ), đây là lần thứ 4 Trâm ăn Tết nơi xứ người. Cứ đến gần ngày tết, tất cả du học sinh ở Nga đều náo nức chuẩn bị đón năm mới bằng một số món ăn truyền thống như nem, măng khô nấu chân giò. Thường trong những ngày ấy, ai cũng rất nhớ quê hương, người thân và bạn bè, nhưng ai cũng tự nhủ lòng phải cố gắng chịu đựng để học tập thật tốt.
 
Trâm tâm sự, những ngày cuối năm, “cả nhà” (bạn bè trong phòng trọ - PV) quây quần bên bữa cơm đủ các món truyền thống của Việt Nam được mua ở Siêu thị, tuy không ngon bằng món ăn do mẹ tự tay chế biến trong những ngày Tết nhưng cũng phần nào có chút hương vị Tết ở quê hương. Trên môi đứa bạn nào cũng sẵn một nụ cười mà lòng dạ mình cứ thấy hụt hẫng vì nhớ nhà.
 
Ngồi ăn cơm mà ai cũng lấy điện thoại nhắn tin lia lịa cho người thân ở Việt Nam nhưng đêm giao thừa năm nào cũng vậy, tình trạng kẹt mạng lại liên tục xảy ra. "Nhưng bọn mình vẫn kiên nhẫn để có thể gửi một dòng tin nhắn tâm sự, chúc tết đến gia đình, người yêu, thầy cô, bạn bè ở quê nhà. Mỗi khi ai đó được kết nối thành công thì đều sung sướng, hạnh phúc lắm nhưng sau đó nước mắt lại chảy dài" -Tâm kể.
 
Ở phương xa vẫn có Tết
 
“Ngày Tết mà không có mặt ở quê nhà thấy thiếu thiếu một cái gì đó thiêng liêng lắm. Ở Nga bây giờ không có hoa mai, hoa đào thật nên các bạn du học sinh phải tự thể hiện bằng giấy màu và trang trí sao cho thật giống. Trên thân cây những cái thiệp chúc Tết, phong bao lì xì, những món quà nhỏ xinh xắn được treo khắp nơi”, đó là tâm sự của du học sinh Nguyễn Ngọc Sơn (Trường ĐH Tổng hợp Belgorođ).
 
Bàn thờ ngày Tết cũng được các bạn dựng lên, trên đó có đầy đủ các thứ cần thiết như câu đối đỏ, đĩa trái cây, bình hoa, vài lon nước ngọt và không thể nào thiếu chiếc bánh chưng xanh. Tuy nhiên vẫn thiếu mùi hương trầm, xấp vàng mã quen thuộc trong ngày Tết vì quy định ở KTX không cho phép đốt nhang.
 
Trong mỗi lần đến Tết, nhóm du học sinh đều tự tay gói bánh chưng để có chút hương vị Tết, thế nhưng với những du học sinh để làm một chiếc bánh chưng ngon lành cũng không phải là chuyện dễ.
 
Anh Vĩnh Sơn (Trường INSA de Lyon - Pháp) thì tâm sự, nguyên liệu để làm bánh đều có đầy đủ, riêng lá dong thì lại hơi đắt. Từ sáng sớm, mỗi người đã tụ tập đông đủ, người làm nhân thịt, người rửa lá dong, làm khuôn gói bánh rất rộn ràng. Công thức đã được các bạn học trên mạng vì đa phần tụi mình chẳng ai biết cách gói bánh. Chiếc bánh hoàn thành tuy không ngon, không đẹp bằng ở quê nhưng ai cũng thấy vui.
 
Vui nhất là đêm 30 Tết, các bạn cũng đi xông nhà (phòng ở trong ký túc xá), chúc Tết. Những người học ở “khóa đàn anh” lì xì năm mới cho khóa đàn em may mắn… Các bạn cùng nhau tổ chức chương trình giao lưu văn hóa với các tiết mục văn nghệ, món ăn truyền thống của Việt Nam, giới thiệu các video clip về không khí đón Tết tại quê nhà, hay các vở kịch tái hiện cảnh đón Tết cổ truyền của dân tộc, các trò chơi dân gian…, giúp bạn bè nuớc bạn hiểu hơn về truyền thống, văn hóa tốt đẹp của người Việt.
 
Sau khi cúng giao thừa, các bạn sẽ đi chúc Tết với nhau. Sáng hôm sau, mọi người đi chùa thắp hương và cùng nhau đi tham quan một số địa điểm trong thành phố. Sau đó, mọi người cùng tập trung tại đây để liên hoan văn nghệ và tham gia các trò chơi.
 
“Năm nay, bọn mình cũng đã lên kế hoạch và cũng vẫn giữ phong tục Tết cổ truyền như tại Việt Nam để các bạn bớt đi phần nào nhớ nhà, nhớ quê hương trong những ngày Tết đến xuân về” – Sơn chia sẻ.
 
Theo VnMedia

.