Xanh vườn, xanh đảo...

10:09, 17/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đóng quân ở đảo tiền tiêu, nơi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhưng Ban CHQS huyện Lý Sơn luôn chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tăng gia quanh bếp, quanh vườn, cung ứng dồi dào nguồn thực phẩm tại chỗ góp phần nâng cao đời sống bộ đội. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ nơi đây còn dốc sức phủ xanh đất trống...
Trong một chuyến “cưỡi sóng vượt gió” cùng đoàn công tác của Quân khu 5 đến huyện  Lý Sơn, chúng tôi thực sự ấn tượng trước thành quả “thực túc binh cường” của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Giữa biển xanh cát trắng, mặc cho cái nắng luôn rát bỏng, đất đai khô cằn, nguồn nước ngọt khan hiếm, nhưng những vườn rau vẫn lên xanh tốt, phong phú các chủng loại, từ bầu, bí, mướp trĩu quả... 
 
 Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lý Sơn chăm sóc vườn rau xanh của đơn vị.      Ảnh: Ngọc Diệp
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lý Sơn chăm sóc vườn rau xanh của đơn vị. Ảnh: Ngọc Diệp
Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lý Sơn, Thượng tá Hồ Ngọc Hiên chia sẻ: “Cùng với lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Lý Sơn còn đầu tư nhân lực, vật lực đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi để bảo đảm tốt nhất đời sống bộ đội. Hằng năm, sản lượng rau, củ, quả thu hoạch bình quân đạt 12kg/người/tháng, duy trì thường xuyên đàn bò 4 con, dê 9 con, heo rừng lai và heo thịt 36 con, gần 1.000 con gia cầm, tạo nguồn thu 1,72 triệu đồng/người/năm”.
 
Đi thăm một vòng các đầu mối trực thuộc, được “mắt thấy, tai nghe” đòn bẩy từ phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Hiện nay, Ban CHQS huyện đang sở hữu khu tăng gia rộng hơn 3.000m², chuồng heo có diện tích lên đến  500m², ao cá 800m², bộ phận hậu cần còn sản xuất nước lọc tinh khiết; mỗi năm nhập 2 tấn cá cơm làm làm nước mắm bảo đảm “sạch, ngon, rẻ, bổ”. Ban CHQS huyện duy trì định lượng ăn thường xuyên vượt từ 10 - 15% so với quy định.
 
Theo chia sẻ của nhiều cán bộ, chiến sĩ, ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc giữa Biển Đông này, trong bữa ăn ngày thường cũng như ngày lễ, Tết không những có các sản phẩm quanh bếp, quanh vườn, mà còn được thưởng thức đặc sản tỏi nổi tiếng của đảo Lý Sơn và nhiều hải sản tươi sống do ngư dân đánh bắt.
 
Đại đội Pháo mặt đất (Ban CHQS huyện Lý Sơn) dù không đào ao thả cá, nhưng từ đầu năm 2018 đến nay vẫn nuôi thành công cá trê phi. Đó là nhờ tận dụng bể xi măng cũ có giàn bầu tạo bóng mát bên trên. Cán bộ, chiến sĩ mua 500 con cá giống của Trại nuôi trồng thủy sản huyện Sơn Tịnh và tận dụng thức ăn thừa để nuôi cá. Quá trình nuôi, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên trao đổi với cơ sở sản xuất cá giống để được tư vấn về kỹ thuật, điều chỉnh mật độ nuôi và gia giảm lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn tăng tưởng. Nhờ vậy, tỷ lệ cá sống đạt hơn 90%, trọng lượng cá thành phẩm hơn 1kg/con, vừa bảo đảm nguồn dinh dưỡng, vừa bán thu về mỗi năm hơn chục triệu đồng.
 
Gắn bó với địa bàn, những người lính đảo luôn làm tốt việc ươm nhiều giống cây có sức sống mãnh liệt như bàng vuông, bằng phễu, phi lao, sanh, sộp, bồ đề, lát hoa... để trồng hàng chục hécta rừng. Những nơi sườn núi địa chất cứng, bộ đội kiên trì dùng cả xà beng, búa tạ, ve sắt khoét đá đục hố, đổ đất mùn vào ươm cây, phủ xanh đất trống, chống xói mòn, duy trì nguồn nước ngầm và cải thiện không khí. Mùa khô phải lấy nước ngọt từ ao hồ chở lên tưới giáp vòng. Mồ hôi người lính âm thầm đổ xuống để “pháo đài thép” Lý Sơn ngày càng được biết đến như một kỳ quan xanh. Đón năm mới, bao giờ đơn vị cũng phát động ra quân Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, phối hợp với địa phương trồng cây lâu năm dọc trục đường từ Trung tâm hành chính huyện tỏa đi các đường nhánh...
 
Qua câu chuyện của lính đảo, chúng tôi hiểu rằng, khi đã “bén rễ xanh cây” với đảo, thì giàn bầu, giàn bí, luống rau, vườn cà, hàng cây bàng vuông... với người chiến sĩ luôn dâng trào bao cảm xúc. Ngắm nhìn những búp non bật mở, những tán cây sum suê đan cành tỏa bóng mát, hoa mướp vàng nỗi nhớ, hoa chanh trắng tinh khôi, hoa cải đằm thắm dịu ngọt... làm dịu đi nắng gió khốc liệt, gợi lên cảnh sắc thân thuộc nơi quê nhà. Đúng như ý thơ trong “Bài ca vỡ đất” của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”...
 
Bằng bàn tay, khối óc của bộ đội Cụ Hồ đã làm dịu đi rất nhiều sự khắc nghiệt của vùng đất nơi đầu sóng ngọn gió. Tạm biệt Ban CHQS huyện Lý Sơn, thêm khâm phục, tin yêu và hãnh diện, tự hào về những đồng đội thân yêu đang bền bỉ “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, quyết tâm huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, chắc tay súng gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Ngọc Diệp
 

.