Không quên những năm tháng hào hùng

03:05, 02/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đã lùi xa gần nửa thế kỷ, song những ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí bà Phạm Thị Chiến (72 tuổi), ở thôn Gia Hoà, xã Đức Thắng (Mộ Đức). 
 
Trong ngôi nhà tình nghĩa, bà Phạm Thị Chiến kể cho chúng tôi nghe câu chuyện một thời vào sinh ra tử. Ngày ấy, xã Đức Phụng (nay là xã Đức Thắng) là một trận địa cam go, khốc liệt. Mỹ, nguỵ liên tục tiến quân vào các xóm làng đốt nhà, phá ruộng vườn, hoa màu. Nợ nước thù nhà, bà Chiến sớm giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng khi vừa tròn 17 tuổi. 
 
Bà Phạm Thị Chiến nhớ lại những ngày tháng tham gia cách mạng, đánh đuổi địch khỏi quê hương.
Bà Phạm Thị Chiến nhớ lại những ngày tháng tham gia cách mạng, đánh đuổi địch khỏi quê hương.
 
Bà Chiến cùng với đồng đội hoạt động ngay trong lòng địch. Ở đơn vị, bà được cử đi học y tá để phục vụ chữa trị cho bộ đội; đồng thời làm giao liên, nắm tình hình, dẫn đường cho cán bộ cách mạng. “Một buổi sáng tháng 11.1967, tôi đang theo dõi tình hình thì bất ngờ bị địch phục kích. Chúng bắt được tôi và bắt đầu những trận tra tấn, đánh đập...”, bà Chiến kể.
 
Chuỗi ngày bà Chiến bị địch bắt giam ở Trung tâm cải huấn Quảng Ngãi là khoảng thời gian bà chịu sự tra tấn dã man của kẻ thù. Có những ngày, các đầu ngón tay, chân của bà bị địch châm điện tê cứng; cơ thể tím bầm, rỉ máu bởi nhiều vết dùi cui, roi điện quật thẳng vào người. Thậm chí, địch còn treo ngược bà lên, dùng gậy đánh. Những tưởng với cực hình tra tấn dã man chẳng bao lâu người nữ cộng sản này sẽ khai báo thông tin, nhưng kẻ thù đã lầm. Chúng càng hung hãn đánh đập, khảo tra, bà Chiến càng tỏ rõ khí tiết, tinh thần thép của người chiến sĩ cách mạng.
 
Bà Chiến bộc bạch: “Ngay từ đầu, mình đã xác định làm cách mạng thì quyết chiến đấu đến cùng. Lạ gì chiêu bài “không có thì đánh cho có, có thì đánh cho chừa” của địch, bởi vậy dù bị đòn roi, gian khổ thế nào cũng cố gắng chịu đựng chứ không bao giờ đầu hàng hay khai báo làm hại đến cơ sở cách mạng và đồng chí, đồng đội của mình”.
 
Bà Chiến khẽ rùng mình khi nhớ lại lúc đang mang thai đứa con đầu lòng, bị địch đạp thẳng vào bụng, bỏ đói, đổ vôi vào mắt để không nhìn thấy... Nếm trải đủ các cực hình tra tấn dã man, nhưng bà Chiến vẫn không khuất phục. Ngược lại, bà vẫn tiếp tục tham gia đấu tranh đòi quyền dân sinh, viết truyền đơn, chống chiêu hồi, chống chào cờ địch, chống điểm danh...
 
“Hai lần bị địch bắt giam, những trận đòn và những cơn đau dường như cũng chai sạn đi. Chúng càng đánh, chị em càng đấu tranh phản đối dữ dội. Mỗi cuộc đấu tranh là một cuộc đàn áp đẫm máu, nhưng chị em vẫn kiên cường, quyết hy sinh vì sự nghiệp cách mạng", bà Chiến trải lòng. 
 
Bà Chiến bảo, ký ức ấy bà chẳng muốn nhớ lại, vì nó quá khủng khiếp. Dẫu vậy, đối với bà, đó vẫn mãi là miền ký ức đáng tự hào về một thời tuổi trẻ đã cống hiến hết mình cho cách mạng. Ngày quê hương giải phóng, bà Chiến trở về tiếp tục tham gia công tác, cống hiến cho địa phương. 
 
Câu chuyện về nữ cựu tù Phạm Thị Chiến nói riêng, những chiến sĩ cách mạng năm xưa nói chung sẽ mãi là bản hùng ca về lòng yêu nước, ý chí kiên trung để thế hệ hôm nay và mai sau trân trọng, noi theo.
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 

.