Tiểu đoàn Pháo binh 107: Lập nhiều chiến công trên chiến trường Quảng Ngãi

09:04, 29/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những chiến công của Tiểu đoàn Pháo binh 107 (D107) trên chiến trường Quảng Ngãi vẫn  in  đậm trong tâm trí những người lính D107 Anh hùng và người dân nơi đơn vị đóng quân. 
Trong hồi ký của mình, nguyên Trung đội trưởng, Đại đội 3, Tiểu đoàn Pháo binh 107, Đại tá Đào Đình Hùng cho biết: Tháng 4.1966, tiểu đoàn được thành lập tại TP.Hải Phòng, với 420 cán bộ, chiến sĩ. Sau khi được thành lập, tiểu đoàn lên đường vào Nam chiến đấu. Ngày 25.4.1967, đơn vị hành quân đến xã Ba Điền (Ba Tơ).  
Tiểu đoàn Pháo binh 107 và 10 tập thể, 8 cá nhân thuộc lực lượng vũ trang tỉnh được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. ẢNH: TL
Tiểu đoàn Pháo binh 107 và 10 tập thể, 8 cá nhân thuộc lực lượng vũ trang tỉnh được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. ẢNH: TL
Đến ngày 16.7.1967, tiểu đoàn phối hợp với dBB 20, đánh trận mở màn, tạo nên chiến thắng sông Re lừng lẫy, đập tan đợt tập kích của Sư đoàn American số 1 Mỹ, diệt tại chỗ 475 tên Mỹ, bắn cháy 52 máy bay HU1A, 5 máy bay phản lực F4. Trong đợt Tổng tiến công nổi dậy năm 1968, đơn vị đánh thọc sâu vào căn cứ địch ở thị xã Quảng Ngãi làm cho quân địch khiếp sợ. Tháng 3 năm 1968, tiểu đoàn tập kích vào sân bay Gò Hội (Đức Phổ) đánh Lữ đoàn 189 Mỹ, kiềm chế trận địa pháo núi Vàng, phá hủy 1 kho xăng, làm hư hỏng 8 máy bay HU1A...
 
Trong điều kiện khó khăn, ác liệt, tiểu đoàn vừa chiến đấu, vừa phát triển lực lượng, từ chỗ đánh nhỏ lẻ độc lập, tiến lên đánh quy mô lớn, rồi hiệp đồng binh chủng; từ chỗ đánh xa tiến tới đánh gần, bí mật áp sát mục tiêu, diệt địch từ trung đội, đại đội đến tiểu đoàn, trung đoàn, làm cho địch không kịp trở tay, gây tiếng vang lớn. “Cuối tháng 4, đầu tháng 5.1969, tiểu đoàn bí mật áp sát, đánh vào rừng Lăng, sân bay Quảng Ngãi, tập kích cứ điểm núi Bé - Nghĩa Thắng. Trong đó, khẩu đội 12,8 ly của đồng chí Hà bắn cháy 7 máy bay HU1A. Riêng xạ thủ số 1 là đồng chí Thịnh bắn cháy tại chỗ 3 máy bay HU1A”, ông Hùng nhớ lại.
Với những chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Pháo binh 107 đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 5 Huân chương Chiến công hạng Nhì; 8 Huân chương Chiến công hạng Ba. Các đại đội được tặng thưởng 10 Huân chương Chiến công hạng Nhì; 29 Huân chương Giải phóng hạng Ba; các cá nhân được tặng thưởng 61 Huân chương Chiến công các loại. Năm 2012, Tiểu đoàn Pháo binh 107 vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tiểu đoàn đã hiệp đồng binh chủng, đánh kiềm chế, đánh vận động, tiêu diệt nhiều mục tiêu, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong đánh dứt điểm. Ngày 18.3.1975, tiểu đoàn cơ động từ Bình Nguyên (Bình Sơn) về phục kích phía bắc dốc Phú bắn cháy 2 xe tăng, tiêu diệt 5 xe quân sự chở đầy lính, chặn đứng cuộc rút chạy, tạo điều kiện cho bộ binh tiêu diệt địch.
 
Ngày 23.3.1975, tiểu đoàn dùng DKB bắn vào thị xã Quảng Ngãi; đồng thời đánh chặn tiêu diệt địch ở dốc Chạm. Đến 16 giờ chiều 23.3.1975 tiểu đoàn đánh chiếm chi khu Sơn Tịnh thu hai khẩu pháo 105 ly cùng cơ số đạn liền quay nòng pháo bắn vào thị xã Quảng Ngãi khiến địch càng thêm hoảng loạn. Đêm 23.3.1975, tiểu đoàn đánh sân bay Quảng Ngãi, địch hỗn loạn rút chạy, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 24.3.1975. Trong ngày giải phóng Quảng Ngãi, Tiểu đoàn pháo binh 107 là một trong những đơn vị đầu tiên tiến vào thị xã phá nhà lao, chiếm đài phát thanh, tỉnh đường, rồi đưa pháo 12 ly 7 ra giữa cầu Trà Khúc và sân bay Quảng Ngãi.
 
Theo thống kê, từ khi vào chiến trường Quảng Ngãi cho đến ngày giải phóng, tiểu đoàn đã đánh 935 trận, tiêu diệt gần 3.000 tên địch. Riêng đánh tập trung, tiểu đoàn đánh 175 trận, diệt 2.795 tên địch, phá huỷ, bắn hỏng 135 khẩu pháo; bắn cháy 91 máy bay HU1A, 5 phản lực F4; bắn cháy 1 kho xăng; 40 xe bọc thép, 27 xe tăng. Ngoài ra, tiểu đoàn còn phối hợp tác chiến với các đơn vị bộ binh diệt gọn 4 Sở Chỉ huy Trung đoàn bộ của Mỹ, diệt 17 tiểu đoàn, 28 đại đội, 56 trung đội, phá hủy hàng nghìn lô cốt, phương tiện chiến tranh, bắt giữ nhiều tù binh... Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tiểu đoàn Pháo binh 107 đóng quân ở Lý Sơn, sau đó chuyển về phiên đội Huyện đội Lý Sơn.
 
Bài, ảnh: BÁ SƠN
 
 
 
 
 

.