Vị tướng đồng cam cộng khổ

03:02, 12/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Có được vinh dự to lớn của ngày hôm nay, lòng tôi trào dâng nỗi nhớ và biết ơn đồng đội đã đồng cam cộng khổ lúc chiến tranh, cũng như ngày hòa bình”, Trung tướng Tiêu Văn Mẫn đã phát biểu như vậy trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Mỹ do Đảng, Nhà nước phong tặng cuối năm 2018.

Một ngày cuối đông, chúng tôi ra Thủ đô Hà Nội thăm Trung tướng Tiêu Văn Mẫn. Ra đón khách, với vóc dáng cao to, nhanh nhẹn, chúng tôi không nghĩ Tướng Mẫn đã ở cái tuổi 85.

Trò chuyện thân tình về cuộc đời binh nghiệp của mình, giọng ông chậm rãi kể: "Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành. Tuổi thơ cơ cực, cha sớm mù lòa, mẹ tần tảo nuôi con, tôi phải đi làm thuê, làm mướn, 18 tuổi đi thanh niên xung phong. Năm 1953,  lúc 20 tuổi, tôi đi bộ đội đánh Pháp. Trong 47 năm quân ngũ, tôi chủ yếu sống, chiến đấu, công tác cùng cán bộ, chiến sĩ. Không có đồng đội làm sao có mình!". Lời kể của vị Trung tướng từng kinh qua trận mạc gian khổ, quật cường, cứ nhẹ nhàng như thể không có gì to tát.

  Trung tướng Tạ Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương (bên phải) tặng hoa, chúc mừng Trung tướng Tiêu Văn Mẫn.                                                                                                     Ảnh: Th.Nhị
Trung tướng Tạ Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương (bên phải) tặng hoa, chúc mừng Trung tướng Tiêu Văn Mẫn. Ảnh: Th.Nhị


Điểm lại những mốc thời gian trong cuộc đời binh nghiệp của ông, mới hiểu phần nào những đóng góp của người con Quảng Ngãi Tiêu Văn Mẫn. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, rồi lập gia đình với cô gái làm nghề y đất Hà thành. Đầu năm 1966, để lại hậu phương người vợ trẻ và con thơ, ông lên đường vào mặt trận Tây Nguyên ác liệt trong đội hình Trung đoàn 24A, với chức vụ Chính trị viên đại đội. Chỉ hơn một năm, ông đã là Phó Chính ủy Trung đoàn 24A.

Có 3 trận đánh tiêu biểu ông tham gia được đồng đội đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Trận “tao ngộ chiến” ở chân núi Ngọc Bờ Biêng (huyện Sa Thầy, Kon Tum) với Lữ đoàn dù 173 Mỹ, năm 1967; trận phòng ngự ở Ngọc Bờ Biêng trong Chiến dịch Đắc Tô 1, tháng 11.1967; trận diệt gọn Đại đội Lôi Hổ quân đội Sài Gòn, tháng 10.1968. Trận thì ông chỉ huy đội hình phía sau đánh quân Mỹ đổ bộ, trận thì ông phụ trách một hướng, còn trận diệt bọn Lôi Hổ, ông chỉ huy thay Tiểu đoàn trưởng bị ốm.

Ông nhớ nhất trận phòng ngự Ngọc Bờ Biêng kìm chân Lữ đoàn dù 173 Mỹ, để chủ lực Mặt trận đánh tiêu diệt. Hôm đó, Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24A Tiêu Văn Mẫn đi kiểm tra trận địa, được tin Mỹ đổ bộ một tiểu đoàn, cách trận địa phòng ngự của ta chỉ 200m. Thời cơ diệt địch đã đến, ông điện thoại cho Tiểu đoàn trưởng đề nghị tổ chức mũi thọc sâu, còn ông chỉ huy giữ vững trận địa. Địch tiến công, ông nói: “Các đồng chí bình tĩnh, để địch lại gần nhất. Khi nào tôi ra lệnh mới được nổ súng”. Chờ cho địch lại gần 20m, ông dùng AK lia ngã 3 lính Mỹ, cả trận địa nổ súng theo, địch buộc phải tháo chạy. Sau đó, quân Mỹ nhiều lần tấn công, nhưng trận địa của đơn vị vẫn giữ vững. Sau trận này, ông được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

"Ngày đó, cán bộ từ đại đội đến trung đoàn đều dùng AK, ít khi mang súng ngắn. Giáp mặt với quân địch là chiến đấu như một tay súng", đang nói, Trung tướng Tiêu Văn Mẫn đột nhiên chuyển đề tài: “Mà này, hồi ở Tây Nguyên khổ nhất là sốt rét, thiếu muối, thiếu gạo. Nhất là năm 1968, 1969, bộ đội ăn chỉ có một lạng gạo mỗi ngày, còn lại là rau rừng, sắn..." Vậy cán bộ cấp tiểu đoàn, trung đoàn có được ưu tiên không?", tôi hỏi.  "Ưu tiên gì? Làm gì có ưu tiên. Ngay Tư lệnh Mặt trận Hoàng Minh Thảo tiêu chuẩn được 5 lạng, tự nguyện ăn 2 lạng gạo một ngày thôi. Tôi nhớ cuối năm 1969, thiếu muối quá, tôi ra Tỉnh đội Kon Tum xin ông Thuận, Chính ủy Tỉnh đội một ít muối, về chia đều cho anh em mỗi người một ít... Ngày ấy là vậy, tướng sĩ đồng cam cộng khổ!”, Trung tướng Tiêu Văn Mẫn trả lời.

Tính cách đồng cam cộng khổ, thương yêu đồng đội đã trở thành bản chất, kể cả sau này khi ông đã trở thành vị tướng. Đầu năm 1990, ông rời Quân đoàn 3, về làm Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó Tư lệnh Quân khu 5. Đất nước hết chiến tranh, đời sống người dân khá lên rồi, nhưng phần lớn anh em cán bộ quân khu đều chưa có nhà ở. Trên cương vị Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng nhà đất Quân khu, ông đề nghị Thường vụ Đảng ủy Quân khu cấp đất cho anh em có gia đình mà chưa có nhà ở để “an cư lạc nghiệp”. Riêng ông vẫn ở nhà công vụ, đến khi về hưu trả lại cho Quân khu, trở về tổ ấm ở khu Nam Đồng (quận Đống Đa, TP.Hà Nội). Ông Mẫn chia sẻ: "Mình có chức, có quyền nên nghĩ đến đồng đội, đến anh em cấp dưới còn khó khăn, thiếu thốn. Ngày đó tôi mà tham một chút thì không được anh em yêu quý đến tận hôm nay".

Năm 2000 về hưu, ông tham gia công tác ở phường, rồi đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội, 10 năm làm Trưởng ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên... Nhiều người khuyên ông nên nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu, nhưng ông nghĩ, mình còn sức khỏe, còn làm được gì cho đồng đội thì cố gắng làm.

Giờ đã hoàn toàn trở thành “thường dân”, nhưng có việc liên quan đến đồng đội, dù người đó ngày xưa chỉ là chiến sĩ, ông vẫn có mặt. “Giúp được đồng đội bao nhiêu, cũng nên cố gắng”, Trung tướng Tiêu Văn Mẫn nói.


HỒNG THANH


 


.