Xâm phạm vùng biển nước bạn để khai thác hải sản: Những câu chuyện đắng lòng

02:04, 16/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù mùa khai thác hải sản năm 2017 mới đi qua được 3 tháng, song tình trạng thuyền trưởng, chủ tàu cá trên địa bàn Quảng Ngãi đưa phương tiện, ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép có chiều hướng gia tăng, gây khó khăn trong công tác quản lý.


Làm việc với lực lượng biên phòng về hành vi xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài, ngư dân Trần Đạt, thuyền viên tàu cá QNg 9047 TS cho biết: Nghe lời đồn đoán ngư trường nước ngoài có nhiều hải sản, đánh bắt thu lời nhanh, nên tôi cùng với 12 lao động vượt qua hàng nghìn hải lý đến vùng biển Austraylia để khai thác. Với nhận thức còn non kém về những quy định của pháp luật, nên khi anh Đạt vừa mới đặt neo, buông lưới thì bị lực lượng tuần tra nước bạn bắt giữ và trao trả qua đường hàng không. Toàn bộ con tàu cùng phí tổn hơn 5 tỷ đồng bị tịch thu. Giờ đây các anh cảm thấy nuối tiếc cho hành động của mình.

 

Tàu cá ngư dân khai thác hải sản trái phép bị Philippines bắt giữ thả về. Ảnh:  Khánh Toàn
Tàu cá ngư dân khai thác hải sản trái phép bị Philippines bắt giữ thả về. Ảnh: Khánh Toàn

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, chỉ tính riêng ở xã Bình Châu (Bình Sơn) từ đầu năm đến nay đã có 6 tàu với trên 80 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, tiêu hủy tài sản do xâm phạm ngư trường.

Chỉ vì lợi ích trước mắt, nhiều ngư dân nhắm mắt làm liều ra đi với hy vọng vùng biển nước bạn sẽ giúp nhanh đổi đời. Để đến được những vùng biển này, họ phải trải qua hơn 2 tháng lênh đênh trên biển, vượt qua sóng gió, cùng nhiều mối hiểm nguy rình rập. Theo nhiều ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xác xuất thành công trong chuyến đi biển của những con tàu vượt đại dương là rất nhỏ. Thậm chí có những đợt ra đi bằng đường biển, nhưng đều phải trở về bằng đường hàng không, dẫn đến cuộc sống vô cùng khó khăn.

Để hạn chế, giảm thiểu tình trạng đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân không tham gia cùng thuyền trưởng, chủ tàu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; buộc thuyền trưởng, chủ phương tiện cam kết không xâm phạm vùng biển các nước khai thác hải sản. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành. Thời gian qua, BĐBP tỉnh ưu tiên tập trung lực lượng cho địa bàn xã Bình Châu để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quyết không để tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước với các nước có ngư dân ta xâm phạm chủ quyền trái phép.

Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Hải, trung tá Võ Văn Tươi cho biết,  thực tế thì không mấy khó khăn để nhận diện được những chủ phương tiện, thuyền trưởng có ý định ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Bởi những tàu cá này khi đi hành nghề dự trữ số lượng lớn nhiên liệu, thực phẩm so với các phương tiện hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn còn nhiều khó khăn, vì chưa có văn bản pháp luật nào quy định mức nhiên liệu cho tàu hành nghề khai thác hải sản xa bờ. Vì vậy, việc xử lý đối với hành vi này chỉ khi tàu đã bị nước bạn bắt giữ.

Qua khảo sát, một số chủ tàu cho rằng, việc ra nước ngoài khai thác, ngư dân thu được nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao. Song thực tế nguồn thu này chỉ làm giàu cho các chủ nậu, còn ngư dân phải đánh đổi quá nhiều rủi ro khi bị nước ngoài bắt giữ, phạt tù, tiêu hủy tài sản...
 
Đây là câu chuyện đắng lòng của nhiều ngư dân ở làng biển Châu Thuận- Bình Châu trong những năm qua.
 
K. TOÀN-X.THIÊN


 

.