Trang trại của lính

09:11, 13/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phía bên kia cầu sông Liên, huyện Ba Tơ có một trang trại rừng - chuồng khá thú vị. Thủ lĩnh của mô hình kinh tế này là một chiến sĩ trông kho, thuộc Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Ba Tơ.

TIN LIÊN QUAN

Ở đó, không chỉ có những rừng keo xanh mướt, mà còn có một đàn heo rừng lai lên đến cả trăm con. Trang trại ấy mỗi năm mang về cho đơn vị hơn trăm triệu đồng.

Từ nuôi chơi trở thành trang trại

Trở lại vùng căn cứ ATK hào hùng năm xưa, tôi được ông Đinh Ngọc Vỹ - Phó Bí thư Huyện ủy Ba Tơ kể cho nghe chuyện khởi nguồn nuôi heo của Ban CHQS huyện Ba Tơ. Ông Vỹ bảo: "Khi tôi còn là Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện, trong một dịp về thăm Trạm rađa 18, ở xã Đức Lân (Mộ Đức), thấy các chiến sĩ ở đây nuôi heo rừng lai để tăng gia và cải thiện bữa ăn.

Thoáng trong đầu mình một suy nghĩ, anh em chiến sĩ rađa ở đồng bằng còn nuôi heo rừng lai được, trong khi mình đóng quân ở vùng núi, có điều kiện thuận lợi, không lẽ bó tay! Trở về đơn vị, tôi bàn với anh em phải tăng gia thêm bằng cách nuôi heo rừng lai. Ban đầu nhiều anh em e ngại, nhưng tôi bảo nếu sợ thì mình mua ít con nuôi thử, được thì...  làm tới, thất bại thì xem đó là bài học. Ai ngờ thành công ngoài mong đợi”, ông Vỹ chia sẻ.

Trung úy Ngô Văn Cường (áo trắng) đang
Trung úy Ngô Văn Cường (áo trắng) đang "điểm danh quân số" đàn heo con mới sinh.


Sau khi bàn bạc với anh em đơn vị và được thống nhất cao, Ban CHQS huyện Ba Tơ trích kinh phí 6 triệu đồng về Trạm rađa 18 mua 8 con heo giống và xin kinh phí Bộ CHQS tỉnh đầu tư xây dựng chuồng trại. Sau vài tháng thả nuôi, những chú heo giống được anh em sĩ quan, chiến sĩ thay phiên nhau chăm sóc đã lớn và bắt đầu sinh sản. Từ thành công bước đầu, đàn heo rừng lai cứ đông dần lên theo cấp số nhân. Từ 8 con heo giống đến nay trang trại heo đã lên đến gần 100 con lớn nhỏ.

Với khuôn viên cơ quan còn khá rộng, nhận thấy cần phải “xanh hóa” doanh trại, lãnh đạo Ban CHQS huyện Ba Tơ xin ý kiến Bộ CHQS tỉnh được cải tạo đất trồng keo tăng gia sản xuất và lồng ghép với đó là nuôi heo rừng lai thả rông và gà, vịt.

Trung tá Phạm Văn Viên - Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Ba Tơ cho biết, sau 5 năm trồng và chăm sóc, đến nay 5ha keo đã có thể cho thu hoạch, trị giá khoảng 500 triệu đồng. “Ban đầu làm chỉ là cho có gọi là tăng gia, không ngờ hiệu quả mang lại quá lớn. Riêng đàn heo rừng lai, tính cả heo ăn thịt và bán mỗi năm lên đến gần trăm triệu đồng. Rồi gà, vịt nữa nên anh em trong đơn vị được “bồi dưỡng” món ăn ngon. Chúng tôi sẽ cố gắng nhân rộng đàn heo lai và đưa mô hình phát triển mạnh hơn nữa”, trung tá Phạm Văn Viên chia sẻ.

Thủ lĩnh đặc biệt

Keng, keng, keng...  âm vang quen thuộc từ chiếc kẻng làm bằng vỏ bom vang lên nơi góc rừng keo, những chú heo rừng lai lúc nhúc chạy về chuồng. Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Ba Tơ Phạm Văn Viên dẫn chúng tôi ra trang trại. Từ xa, một chàng trai trẻ tay xách nách mang nào rau tươi, nào can đựng nước mang ra cho đàn heo ăn trưa. Đó là trung úy Ngô Văn Cường, nhân viên trông kho vũ khí. Gặp chúng tôi, anh Cường cười hiền bảo: Người ngoài nhìn vào thấy cực chứ chăm heo không mấy cực nhọc! Vừa nói, anh Cường vừa chặt chuối, cắt rau cho heo ăn, vừa “điểm danh quân số”.

Những con heo đang ăn rông ngoài rừng keo lần lượt kéo về chuồng. Dù đàn heo khá đông, nhưng dưới bàn tay chăm sóc của “người anh nuôi” cần mẫn Ngô Văn Cường, những chú heo rừng lai trở nên rất dễ bảo. Cả đàn cùng vào nhưng qua các động tác chỉ huy, những chú heo lớn sang ăn một chuồng, heo mẹ dẫn con sang một chuồng khác. “Khẩu phần cho heo ăn khác nhau và cũng không thể ăn chung. Bởi ăn chung heo lớn giành ăn hết, với lại khi cho ăn riêng, mình có thể nắm bắt được đặc tính của từng con để dễ bề “trị”", anh Cường tâm sự.

Quá trình chăm sóc đàn heo, anh còn kiêm luôn nhiệm vụ theo dõi chu kỳ sinh sản của heo nái. Anh Cường cho biết, dù làm chuồng nhưng heo thả rông ngoài rẫy keo, chỉ có đến giờ cho ăn và tối là gọi chúng vào chuồng ngủ. Đối với heo mẹ sắp sinh phải theo dõi thật kỹ, bởi đặc tính của heo rừng lai là mỗi khi sắp sinh, chúng thường “trốn biệt” ngoài rẫy.

Được biết, trung úy Ngô Văn Cường còn là “bác sĩ” thú y của trang trại. “Chăm sóc đàn heo tuy dễ mà khó. Dễ là heo rừng lai, có sức kháng bệnh rất tốt. Nhưng khó là mỗi khi heo bị bệnh rất dễ lây cho cả đàn. Công việc chính của tôi là quản lý vũ khí, nhưng lúc rảnh rỗi mình tranh thủ lên mạng internet tìm hiểu cách chăm sóc, trị bệnh cho heo. Những bệnh thường gặp như thổ tả, tụ huyết trùng rất dễ xảy ra, nhất là mỗi khi thời tiết thay đổi nắng mưa thất thường. Có chăm sóc, quan sát thường xuyên mới “bắt bệnh” được mỗi khi heo có biểu hiện lạ”, anh Cường chia sẻ.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.