Ngăn chặn ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép

06:08, 18/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra tình trạng thuyền trưởng, chủ tàu cá đưa tàu thuyền, ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép, bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ, tiêu hủy tài sản. Tình trạng này không những ảnh hưởng đến uy tín của nước ta trong hoạt động hợp tác nghề cá, mà còn gây thiệt hại về kinh tế rất lớn đối với ngư dân.

TIN LIÊN QUAN

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh tuyên truyền cho ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép. Ảnh: K.Toàn
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh tuyên truyền cho ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép. Ảnh: K.Toàn


Đầu năm 2016, ông Trương Sơn ở xã Bình Châu (Bình Sơn) được ông Vũ Văn Linh, chủ tàu cá QNg 90416TS gọi đi lặn hải sản trên vùng biển Trường Sa. Sau khi làm thủ tục xuất bến tại Trạm Biên phòng Tịnh Kỳ, ông Linh đã cho tàu chạy sang vùng biển nước ngoài khai thác và bị cơ quan chức năng Australia bắt giữ. Gần 2 tháng bị giam, 14 thuyền viên trên tàu mới được trả về nước theo đường hàng không, kinh tế gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Ông Sơn, chia sẻ: "Sống bằng nghề biển nên có người gọi đi làm là vui rồi, tàu di chuyển tới đâu mình đến đó, chứ đâu biết là ra nước ngoài khai thác. Đến khi bị bắt thì mới biết tàu xâm phạm vùng biển của Australia".
 

Năm 2015, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 03 về thực hiện các biện pháp cấp bách, để ngăn chặn tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển các nước khai thác hải sản. BĐBP tỉnh đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát. Sau hơn một năm thực hiện, đã hạn chế được số lượng tàu thuyền và ngư dân bị các nước bắt giữ. Tuy vậy, để chấm dứt tình trạng này, BĐBP tỉnh rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành ở địa phương và Trung ương.

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2016 toàn tỉnh có 6 tàu cá/88 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về hành vi khai thác hải sản trái phép (gồm Australia, Plau, Micronesia, Papua New Guinea, Malaysia). Lực lượng thực thi pháp luật nước ngoài xử lý rất cứng rắn, như: Thu hủy, đốt cháy tài sản, phạt tù, phạt tiền... song, một bộ phận ngư dân vẫn bất chấp quy định nên vẫn lén lút đưa lao động ra vùng biển nước ngoài trái phép.

Nói về hành vi đưa tàu và lao động ra nước ngoài trái phép, thuyền trưởng, kiêm chủ tàu cá QNg 90947TS Tiêu Viết Nhung  ở xã Bình Châu (Bình Sơn), cho rằng: Ngư trường ngoài nước có nguồn hải sản dồi dào, nhiều loại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, qua đó cũng rất lo sợ, nếu bị bắt thì coi như trở về với đôi bàn tay trắng, bị giam giữ.

Trước thực trạng đó, BĐBP tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động ngư dân không tham gia cùng thuyền trưởng, chủ tàu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi khai thác hải sản trên biển. Tổ chức ký cam kết không xâm phạm vùng biển các nước khai thác hải sản giữa chủ phương tiện, thuyền trưởng với Trạm kiểm soát Biên phòng. Kiên quyết không lập thủ tục xuất bến cho các phương tiện không thực hiện việc ký cam kết, không chấp hành đầy đủ các quy định. Đồng thời, phát hiện sớm, ngăn chặn ngay từ đầu các trường hợp tàu cá có dấu hiệu nghi ngờ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm vùng biển các nước.

Thiếu tá Huỳnh Đức Tin- Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Hải (BĐBP tỉnh), cho biết: Những trường hợp vi phạm đơn vị đều xác minh, điều tra làm rõ hành vi, tham mưu cho cấp trên xử lý. Đại tá Đỗ Ngọc Nam- Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết thêm, vì lợi ích kinh tế mà một số chủ tàu, thuyền trưởng đã lén lút đưa lao động sang vùng biển các nước khai thác hải sản. Quan điểm của BĐBP tỉnh là tuyên truyền vận động, nếu trường hợp nào vi phạm thì kiên quyết xử lý.

"Bên cạnh đó, ngành chức năng sớm khảo sát, chỉ ra những ngư trường mới có nguồn lợi thuỷ sản; giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân khi hoạt động trên biển. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác nghề cá với các nước để tạo điều kiện cho bà con ra nước ngoài khai thác hải sản một cách hợp pháp", lãnh đạo BĐBP tỉnh đề xuất.

K.TOÀN- X.THIÊN


 


.