Bài học lấy dân làm gốc

09:03, 03/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Suốt 57 năm qua, trong chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng luôn quán triệt sâu sắc bài học "Lấy dân làm gốc" trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc.

TIN LIÊN QUAN

Thực tiễn những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP không chỉ "Nghe dân nói, nói cho dân hiểu" mà còn thực hiện tốt nhiệm vụ "Làm cho dân tin" bằng những việc làm thiết thực. Họ sẵn sàng lên rừng, xuống biển giúp nhân dân mọi việc. Đặc biệt là, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng thôn xóm, làng xã văn hóa...

Thiếu tá Nguyễn Văn Quý trao đổi với người dân xã Phổ Quang (Đức Phổ) về kỹ thuật chăm sóc vật nuôi.
Thiếu tá Nguyễn Văn Quý trao đổi với người dân xã Phổ Quang (Đức Phổ) về kỹ thuật chăm sóc vật nuôi.


Một trong những đơn vị tiêu biểu trong nhiệm vụ giúp dân xóa đói giảm nghèo của BĐBP tỉnh là Đồn Biên phòng Phổ Quang. Cách đây 8 năm, Đồn Biên phòng phối hợp cùng với Hội Nông dân xã Phổ Quang triển khai thành lập CLB chăn nuôi, thông qua phong trào xây dựng "Điểm sáng văn hóa vùng biên". Từ 300 nghìn đồng hỗ trợ mua heo giống chăn nuôi của cấp trên dành cho mỗi hộ gia đình, các chiến sĩ đã vận động bà con chắt chiu, dành dụm nhân lên thành heo đàn, thành trang trại. Nhiều người trong CLB chăn nuôi nay đã trở thành những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổ Quang Phan Đức Hùng, cho biết: Đến thời điểm này toàn xã có 10 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên quy mô lớn, thu nhập hằng năm của mỗi hộ trên 100 triệu đồng.

Để chứng minh câu chuyện có thật, anh Hùng đưa tôi đến trại chăn nuôi của gia đình chị Trần Thị Tắc, ở thôn Du Quang. Chị Tắc bộc bạch: Sau khi thành lập CLB, chị được hỗ trợ vốn nuôi heo để cải thiện thu nhập gia đình. Sau vài lần nuôi thành công và nhờ có sự động viên, hướng dẫn về cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh của anh em Đồn Biên phòng Phổ Quang và Hội Nông dân, tôi quyết định xây dựng chồng trại cơ bản để nuôi theo hướng công nghiệp. Từ đó chị Tắc nuôi thêm gà, lúc nào cũng có 400- 500 con; heo thịt 40 con, heo nái phát triển lên 9 - 10 con. Trừ hết chi phí, mỗi năm lãi trên trăm triệu đồng. Kinh tế ổn định, chị đã chăm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.

Thiếu tá Nguyễn Văn Quý- Đội phó đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Phổ Quang cho biết: Để có kiến thức giúp bà con chăn nuôi, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông đến từng nhà hướng dẫn thực tế. Nhà nuôi bò thì hướng dẫn người ta mua bò như thế nào, cho ăn ngày bao nhiêu lần. Người nào có nhu cầu bò giống hoặc bò thịt thì mình làm mối cho người ta đến đó để mua, bán.

Các chiến sĩ quân hàm xanh còn lên rừng giúp đồng bào xã Ba Lế. Hơn 10 năm qua, các anh đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo nông thôn ở xã vùng cao này.

Hằng năm, các chiến sĩ biên phòng đều mua vật liệu chở lên xây bể, đắp đập, khơi mương tưới tiêu, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, hướng dẫn bà con cách gieo sạ lúa nước... Với cách cầm tay chỉ việc và thuyết phục bằng hiệu quả, các chiến sĩ biên phòng đã dần thay đổi những suy nghĩ lạc hậu của người dân vùng cao.

Những kết quả đó được đúc kết từ bài học: "Lấy dân làm gốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt hơn nữa công tác dân vận trong những năm đến, góp phần cùng với bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Bài, ảnh K.TOÀN

 


.