Giải phóng Ba Tơ: Dấu ấn của lịch sử

02:10, 30/10/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Cách đây vừa tròn 43 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên mảnh đất Ba Tơ đã diễn ra cuộc chiến đấu 45 ngày đêm ròng rã, từ ngày 16.9.1972 đến ngày 30.10.1972 đã giành thắng lợi, một trong những sự kiện lịch sử quan trọng góp phần giải phóng toàn tỉnh và toàn miền Nam.

TIN LIÊN QUAN

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, với truyền thống Ba Tơ khởi nghĩa, quê hương Ba Tơ với những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông, đã tô đậm những chiến công vang dội và đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Ba Tơ anh em đoàn kết một lòng, liên tục tiến công và nổi dậy phá ấp diệt đồn, kết hợp đấu tranh chính trị - binh vận với đấu tranh vũ trang đã liên tiếp giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trận đánh 45 ngày

Từ chiến dịch Xuân Hè và Thu Đông năm 1972 quân và dân Ba Tơ đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực tiến công và nổi dậy. Với quyết tâm “Quyết giải phóng Ba Tơ”, bắt đầu từ ngày 16.9.1972, chiến dịch giải phóng Ba Tơ được phối hợp chung với chiến trường toàn tỉnh, lực lượng giải phóng Ba Tơ cũng được tăng cường, bao gồm bộ đội chủ lực Trung đoàn 52, bộ đội đặc công của Quân Khu, D20 của tỉnh và toàn quân dân trong huyện.

Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Liên tục tiến công và đến ngày 18.9.1972, ta đã chiếm lĩnh toàn bộ Khu quận lỵ. Giải phóng Quận lỵ nhưng Khu quân sự Đá Bàn vẫn còn, lực lượng ta tiếp tục bao vây và tiến công Khu biệt kích Đá Bàn. Hòng cứu vãn tình thế, sáng 21.9 địch dùng máy bay lên thẳng đổ bộ 1 Tiểu đoàn pháo binh ở núi Cao Muôn, đèo Ông Huyện và toàn bộ liên đoàn 11 biệt động ngụy cứu viện, chúng tập trung trên 2.000 tên có pháo yểm trợ, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt.

 

Chi khu Đá Bàn bị san bằng sau khi giải phóng Ba Tơ (Ảnh chụp lại từ bảo tàng Quân khu 5)
Chi khu Đá Bàn bị san bằng sau khi giải phóng Ba Tơ (Ảnh chụp lại từ bảo tàng Quân khu 5)


Nhưng với quyết tâm ngay từ đầu, ta huy động một lực lượng lớn dân công hỏa tuyến tiếp đạn, tải lương phục vụ chiến trường... Đồng thời, lực lượng du kích và bộ đội địa phương phối hợp với quân chủ lực, Trung đoàn 52 tổ chức nhiều trận đánh ác liệt giành thắng lợi giòn dã.Từ đó, buộc chúng phải co cụm lại. Thừa thắng xông lên, liên tục tiến công đến ngày 20.10.1972, vòng vây của ta áp sát Khu trung tâm biệt kích Đá Bàn, kiên quyết tiêu diệt địch tại khu Đá Bàn, đồng thời tổ chức bao vây khống chế địch ở đèo Ông Huyện, cao điểm 402; 416; 513; 262 và 317...

Dù vậy, chúng rất ngoan cố chống trả quyết liệt và dùng máy bay B.52 dội bom rải thảm cả ngày lẫn đêm; pháo các loại từ đèo Ông Huyện, Minh Long, Đức Phổ bắn tấp nập xuống các trận địa, dùng máy bay thả đèn sáng, bắn đạn lửa 12,7 ly, thả dù tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược hòng cứu nguy tình thế bất lợi cho chúng và uy hiếp lực lượng ta.
 

Tạo bàn đạp giải phóng quê hương

Giải phóng Ba Tơ là chiến công vang dội, góp phần đánh bại âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, là thắng lợi chung cả tỉnh và toàn miền Nam, có ý nghĩa chiến lược quan trọng; là huyện được giải phóng đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, nối vùng giải phóng Quảng Ngãi với các tỉnh bạn đã tạo thế mạnh của vùng hậu cứ. Đây là nơi xuất quân cho chiến dịch giải phóng huyện Minh Long tháng 8.1974, tiêu diệt cứ điểm Giá Vực tháng 9.1974, góp phần vào việc giải phóng toàn tỉnh tháng 3.1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng vào ngày 30.4.1975.  

Song quân và dân Ba Tơ với tinh thần cách mạng sôi sục “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đồng bào Kinh, Hrê một lòng, giữ vững niềm tin thắng lợi, các lực lượng vũ trang giữ vững trận địa, tổ chức vây lấn, siết chặt vòng vây, liên tục tiến công, áp sát trận địa.

Nhất là những ngày cuối tháng 10 mưa tầm tã gây lũ lớn, tình hình chiến sự diễn ra ngày càng gay go ác liệt. Đến ngày 29.10 các trận địa pháo của ta dồn dập nã xuống đèo Ông Huyện khống chế địch ở đây, tập trung toàn lực lượng và hỏa lực tiêu diệt Khu biệt kích Đá Bàn. Đúng 23 giờ 45 phút, ngày 29.10.1972, ta mở đợt tấn công và đã làm chủ hoàn toàn trận địa Khu biệt kích Đá Bàn, và đến 0 giờ 35 phút ngày 30.10.1972 lá cờ Mặt trận đã cắm trên nóc Sở chỉ huy Tiểu đoàn 69 Khu biệt kích Đá Bàn.

Biểu tượng của tinh thần đấu tranh cách mạng

Ba Tơ được giải phóng là tiêu biểu cho ý chí cách mạng tiến công, chọn đúng thời cơ, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, có một quyết tâm sắt đá, không sợ hy sinh gian khổ với lời thề “Hy sinh vì Tổ quốc”.

Giải phóng Ba Tơ còn đánh dấu thực lực cách mạng đã vững vàng, thời cơ cách mạng đã đến, nắm chắc bạo lực cách mạng của quần chúng, sử dụng và kết hợp chặt chẽ 3 mũi giáp công: Đấu tranh chính trị, binh vận với đấu tranh vũ trang, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, để xây dựng lực lượng, với phương châm lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu đánh mạnh khi có thời cơ thì phối hợp lực lượng quyết đánh và quyết thắng. Đảng bộ đã đoàn kết trên dưới một lòng, đã tổ chức và lãnh đạo quần chúng giác ngộ đứng lên đấu tranh giành thắng lợi.

Giải phóng Ba Tơ còn là hiệu lệnh, là tiếng kèn xung trận thúc giục quân và dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền, cùng cả nước đứng lên giành thắng lợi quyết định Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975.

43 năm đã qua nhưng âm vang chiến công 45 ngày đêm giải phóng Ba Tơ vẫn vang vọng ấm mãi lòng người hôm nay. Phát huy truyền thống anh hùng trong hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Ba Tơ đoàn kết một lòng, và đã đạt được những bước tiến đáng phấn khởi và tự hào trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể tạo được thế ổn định, bền vững của vùng căn cứ địa cách mạng.


HUỲNH DUY
 


.