Nghệ thuật chiến tranh nhân dân

09:09, 02/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trận đánh Vạn Tường cách nay 50 năm đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Trận đánh Mỹ đầu tiên của quân và dân miền Nam giành thắng lợi nhanh chóng đã khẳng định nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân đội ta được phát huy hiệu quả to lớn. Đó là sự phối hợp tuyệt vời giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Trong những ngày Tháng Tám rực rỡ nắng vàng, cả dân tộc ta đồng lòng hướng về kỷ niệm mùa thu cách mạng 70 năm về trước. Với quân dân Quảng Ngãi và Quân khu 5, niềm tự hào còn được nhân đôi bởi cùng thời điểm này 50 năm trước đã làm nên một trận thắng oanh liệt tại vùng đất Vạn Tường vào ngày 18.8.1965 trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Trận đánh ấy đã lùi xa đã nửa thế kỷ, nhưng với những người CCB đã từng tham gia trận đánh ấy thì kỷ niệm một thời oanh liệt không thể nào phai nhạt.   

Các CCB kể chuyện về tình quân dân năm xưa trong trận đánh Vạn Tường nhân buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm chiến thắng Vạn Tường.                              Ảnh: X.THIÊN
Các CCB kể chuyện về tình quân dân năm xưa trong trận đánh Vạn Tường nhân buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm chiến thắng Vạn Tường. Ảnh: X.THIÊN


Những câu chuyện về tình quân dân – yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng Vạn Tường đã được những người lính trực tiếp chiến đấu kể lại là một bài học quý báu vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Thiếu tướng Trần Ngọc Yến – nguyên là Phó Chính ủy Quân khu 5, lúc bấy giờ là chiến sĩ của Trung đoàn Ba Gia kể lại: Chúng tôi đóng quân tại Vạn Tường sau chiến thắng Ba Gia (5.1965). Vùng đất ấy năm xưa rất nghèo, nhưng tấm lòng của nhân dân đối với bộ đội thì không gì đo đếm được. Họ giúp đỡ bộ đội không toan tính thiệt hơn, không sợ hy sinh. Trận đánh kéo dài suốt một ngày đêm, nhân dân địa phương che giấu bộ đội chủ lực, chỉ đường cho bộ đội hành quân, chia sẻ nhau từng miếng cơm, ngụm nước. Nếu không có sự giúp đỡ của dân quân du kích, nhân dân địa phương thì việc chiến đấu với quân Mỹ lúc ấy sẽ gay go hơn nhiều. Vì phần lớn bộ đội chủ lực của ta sau trận đánh Ba Gia về đóng quân tại Vạn Tường, nên chưa quen thuộc địa hình.

Trận Vạn Tường  diễn ra vô cùng ác liệt, việc thương vong là không tránh khỏi, nhưng rồi nhân dân mở rộng vòng tay đón nhận, chăm sóc thương binh đã phần nào khích lệ tinh thần chiến đấu của người lính ngoài chiến trường. Ông Nguyễn Xuân Lân, cán bộ quân y lúc ấy nhớ lại: Trận đánh diễn ra từ rạng sáng kéo dài mãi đến cuối ngày, chiến trường chỉ toàn khói bụi mịt mù, tiếng bom đạn ác liệt, nhưng không thấy bóng dáng của thương binh nào được đưa về trạm cứu thương ở tuyến sau. Mãi đến chiều tối thì từng tốp người dân và bộ đội mới đưa đến bệnh xá khoảng 120 thương binh, tử sĩ.

Thực ra những chiến sĩ bị thương vong trước đó đã  được nhân dân nuôi giấu, chăm sóc, chờ đến khi an toàn họ mới cùng bộ đội đưa về trạm cứu thương. “Tấm lòng của nhân dân khu đông Bình Sơn dành cho những người lính thật đặc biệt, là kỷ niệm không thể nào quên với chúng tôi”, ông Nguyễn Xuân Lân xúc động, nói. Còn với Anh hùng LLVTND Phạm Dậu, là bộ đội địa phương trong trận Vạn Tường thì nhớ lại: Lúc đầu quân ta chiến đấu với quân Mỹ bằng cách đánh từ xa.

Tuy nhiên, cách đánh này nhanh chóng bị quân Mỹ giành ưu thế, bởi chỉ cần chậm ít phút mà không rút lui kịp thời thì lập tức bị hỏa lực của địch xóa xổ. Do đó, quân ta chuyển sang cách đánh giáp lá cà. Với việc thông thạo địa hình của dân quân du kích, bộ đội chủ lực thì được nhân dân hướng dẫn, chỉ đường nên bộ đội ta lúc ẩn, lúc hiện, gây cho địch nhiều hoang mang, dẫn đến tổn thất, hỏa lực từ xa của chúng không phát huy hiệu quả. Khi đánh giáp là cà, hai bên chỉ cách nhau không quá 50m thì đạn pháo của chúng không thể tập kích vì ta hy sinh thì chúng cũng chết. Cũng theo Anh hùng Phạm Dậu, trong trận đánh ác liệt suốt ngày 18.8.1965, anh em bộ đội chiến đấu liên tục ở trận địa. Ông cũng như nhiều chiến sĩ khác được nhân dân nấu cơm đưa ra trận địa. Mỗi người được 3 nắm cơm gói trong lá chuối.

Thiếu tướng Đoàn Kiểu – Phó Tư lệnh Quân khu 5, khắng định: Chiến thắng Vạn Tường là biểu hiện rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Khu 5 nói chung và quân và dân Quảng Ngãi nói riêng. Sinh động nhất là thế trận chiến tranh nhân dân được phát huy đến đỉnh cao ở Vạn Tường, một làng quê cách mạng anh dũng, kiên cường. Cùng với các lực lượng chiến đấu là thế trận chiến tranh nhân dân nhiều tầng, nhiều lớp được phát huy cao độ, khiến cho quân Mỹ từ chỗ chủ động tiến công sang thế bị động chống đỡ và thất bại.

Xuân Thiên
 


.