Những bác sĩ áo xanh

02:08, 10/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vất vả, áp lực, nguy hiểm, những chiến sĩ công an làm việc ở Trại Tạm giam Công an tỉnh vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý, giáo dục can, phạm nhân,  vừa là bác sĩ chăm sóc, chữa trị cả về mặt thể xác lẫn tinh thần đối với những bệnh nhân đặc biệt này.

Chiến sĩ “2 trong 1”
Trại Tạm giam Công an tỉnh là nơi tiếp nhận, quản lý, giam giữ đối với những can phạm đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và chờ thi hành án. Đồng thời nơi đây còn có nhiệm vụ giáo dục, cải tạo những phạm nhân được để lại thi hành án phạt tù tại Phân trại quản lý phạm nhân. Đối tượng đưa vào Trại với đủ các loại tội danh, giới tính, độ tuổi và hình phạt tù khác nhau.

Cán bộ y tế tại Trại Tạm giam Công an tỉnh khám bệnh cho phạm nhân.
Cán bộ y tế tại Trại Tạm giam Công an tỉnh khám bệnh cho phạm nhân.


Can, phạm nhân khi mới tiếp nhận vào Trại Tạm giam đa số tâm lý chưa ổn định, cùng với đó có thể mắc nhiều loại bệnh khác nhau. Trong đó, có những đối tượng nhiễm HIV. Vì thế, nhiều can, phạm nhân nhiễm khi mới vào Trại, tâm trạng rất chán nản, suy sụp vì mặc cảm bệnh tật và tội lỗi do họ gây ra. Có những người muốn buông xuôi...

Là một trong những cán bộ y tế làm việc tại Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh, y sĩ Nguyễn Minh Vỹ còn rất trẻ tuổi, nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc can, phạm nhân nhiễm HIV. Hiểu tâm trạng của những đối tượng này, tranh thủ những lần đi phát thuốc, Vỹ đều nán lại hỏi han tình hình sức khỏe, thăm hỏi về cuộc sống lúc trước của họ. Ban đầu Vỹ gặp phải sự ngại ngùng, né tránh. Nhưng rồi qua nhiều lần thăm hỏi, cố gắng tiếp cận nhiều can, phạm nhân đã cảm nhận tấm lòng của cán bộ y tế Trại, xem đó là sự an ủi, chia sẻ, động viên tinh thần họ. Từ đó giúp cán bộ y tế của Trại hiểu hơn về tư tưởng của phạm nhân để có những cách chia sẻ, giúp họ xóa bỏ mặc cảm tội lỗi, thành tâm cải tạo lao động tốt.

Đại tá Trần Văn Vốn - Giám thị Trại Tạm giam cho biết, ngay từ khi các can, phạm nhân vào trại đều được cán bộ y tế kiểm tra và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. Trại tạm giam phối hợp với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh thực hiện lấy máu để kiểm tra, xét nghiệm. Đối với can, phạm nhân bị phát hiện nhiễm HIV thì bố trí giam giữ phù hợp, tùy theo các giai đoạn của bệnh, độ tuổi tại các phòng giam để phòng tránh lây nhiễm, đồng thời được cán bộ y tế của Trại tiếp tục cấp phát thuốc AVR điều trị HIV.

Tình người và trách nhiệm

Dù là những đối tượng từng mắc lỗi lầm nghiêm trọng, gây ra tổn thất cho xã hội, nhưng khi vào Trại Tạm giam đều được bình đẳng về chăm sóc sức khỏe. Trong nhiều trường hợp, cán bộ chiến sĩ, Trại Tạm giam còn đóng vai trò là “bác sĩ tâm lý”. Họ dùng cái tâm để vừa cảm hóa, vừa động viên, điều trị bệnh cho can, phạm nhân.

Bộ phận y tế tại Trại tạm giam thực hiện trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý, chăm sóc sức khỏe can, phạm nhân.

Bất kể nửa đêm hay gần về sáng, khi có can, phạm nhân phát bệnh, cán bộ y tế Trại Tạm giam đều xuống thăm, khám bệnh. Những bệnh thông thường thì điều trị tại trại. Còn đối với những trường hợp can, phạm nhân mắc bệnh nặng, vượt khả năng điều trị của Bệnh xá thì cán bộ y tế báo cáo với chỉ huy làm thủ tục chuyển viện để bảo đảm sức khỏe của can, phạm nhân. Tùy theo tính chất của vụ việc điều tra, sẽ có tổ cán bộ gồm 3 hoặc 5 đồng chí đi theo vừa làm nhiệm vụ canh giữ, vừa chăm sóc sức khỏe của can, phạm nhân theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

Đối với can, phạm nhân, cán bộ Trại Tạm giam đều chăm sóc sức khỏe chu đáo, công bằng, thân thiện để cảm hóa, giúp họ sửa sai, vươn lên làm lại cuộc đời. Nhờ những “liều thuốc tinh thần” ấy đã giúp nhiều mảnh đời lầm lỡ thêm nghị lực vượt qua mặc cảm, bệnh tật để hướng thiện.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.