Ký ức tháng 4

06:04, 29/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những đoàn quân nối dài trùng điệp, bụi bazan phủ kín mặt, những tiếng reo vang ngày đại thắng… Từng ấy hình ảnh về những ngày tháng Tư lịch sử của 40 năm trước vẫn chưa bao giờ nhạt phai trong tâm thức đại tá Nguyễn Kiếm ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi). Với ông, chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống mới đã và đang đổi thay từng ngày, nhưng những ký ức về một thời hoa lửa với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì mãi là bản anh hùng ca bất diệt.


Có lẽ không riêng gì ông mà bất cứ những ai đã trải qua, chứng kiến hoặc nghe kể lại những năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc, chắc chắn sẽ không thể quên được những cảm xúc về những ngày tháng 4 lịch sử của 40 năm về trước. Đó là ngày mà cả dân tộc ngập tràn trong niềm hạnh phúc tột bậc, vì đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Đối với ông Kiếm, nó đặc biệt hơn bởi đến giờ ông là một trong số ít nhân chứng sống ở Quảng Ngãi trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30.4.1975 và chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong không gian thanh bình  của một buổi chiều mùa hạ, đại tá Nguyễn Kiếm chậm rãi ôn lại những kỷ niệm về cuộc hành quân thần tốc, trận đánh quyết tử đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của quân ngụy, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.  

 

Đại tá Nguyễn Kiếm kể lại những ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.
Đại tá Nguyễn Kiếm kể lại những ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

Ông sinh năm 1945. Lúc mới 15 tuổi ông đã tình nguyện vào bộ đội địa phương, 19 tuổi được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1965, ông được cử đi ra Bắc học tập, ra trường được giữ lại làm giảng viên Trường sĩ quan lục quân. Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 mở ra, ông đang là Trợ lý quân báo Quân đoàn 1 thuộc Bộ Tham mưu đóng quân tại Tam Điệp - Ninh Bình. Đây là Quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập vào ngày 24.10.1973. Đại tá Nguyễn Kiếm nhớ lại: “Ngày 18.3.1975, đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và lệnh cho Quân đoàn 1 sẵn sàng lên đường vào miền Nam tham gia chiến đấu. Thế là hơn 20 vạn quân hành quân thần tốc bằng tất cả các phương tiện vào chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đây được xem là cuộc hành quân “thần tốc” chưa từng có trong lịch sử quân đội ta từ Bắc vào Nam theo đường Trường Sơn chỉ trong 12 ngày đêm đã vượt chặng đường dài hơn 1.700km, kịp thời vào trực tiếp tham gia chiến đấu trên hướng Bắc Sài Gòn. Sau đó toàn bộ Quân đoàn di chuyển vào chiến trường theo tuyến QL1 - Đường 9 - qua Lao Bảo sang Lào - về Kon Tum theo đường 14 qua Buôn Mê Thuộc vào Đồng Xoài. Đến giữa tháng 4.1975, toàn bộ Quân đoàn 1 được tập kết đầy đủ ở xã Đồng Xoài, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước).
 
Đúng 17 giờ ngày 26.4, quân ta được lệnh nổ súng mở màn chiến dịch, 5 cánh quân từ các hướng vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài tiến vào thành phố Sài Gòn với nhiệm vụ đánh chiếm 5 mục tiêu quan trọng nhất đó là: Bộ tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô, Tổng Nha cảnh sát và Dinh Độc Lập. Trong đó, Quân đoàn 1 có nhiệm vụ là bao vây tiêu diệt đối phương ở Phú Lợi, Bến Cát, Bình Dương, Lai Khê, Tân Uyên; ngăn chặn Sư đoàn 5 Quân lực Việt Nam cộng hòa (QL VNCH) rút về nội đô và vô hiệu hóa đơn vị này; tấn công đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu QLVNCH, các bộ tư lệnh binh chủng ở Gò Vấp, Bình Thạnh, tổ chức một lực lượng tấn công hợp điểm với các quân đoàn khác tại Dinh Độc Lập. “Dù đã 40 năm rồi nhưng không khi nào tôi quên được không khí khẩn trương, hừng hực, những bước chân rầm rập của bộ đội hành quân hơn 1.600 km tiến vào Nam”, đại tá Nguyễn Kiếm kể lại trong ánh mắt rạng ngời niềm tự hào.

Sau khi phá vòng vây ở Lái Thiêu, đúng trưa ngày 30.4, Quân đoàn 1 của ông đã có mặt tại Dinh Độc Lập, vừa đúng lúc Quân đoàn 2 đã áp giải Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh ra đài Phát thanh, đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ông Kiếm nhớ lại: Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên được cảnh đường phố Sài Gòn hôm đó, nhân dân đứng chật hai bên đường, chỉ chừa đủ lối cho xe đi, rất nhiều người mang cờ đỏ sao vàng ra đón đoàn. Người dân hô vang: Hòa bình rồi, chiến tranh không xảy ra trong thành phố, hoan hô quân Giải phóng. Còn anh em chúng tôi lúc ấy vui sướng vô cùng khi thấy lá cờ chiến thắng của quân ta được kéo lên Dinh Độc Lập. Chính sự di chuyển thần tốc của các cánh quân nói chung và Quân đoàn 1 nói riêng đã góp phần tạo ra thế mạnh áp đảo khiến binh lính chính quyền Sài Gòn đã rệu rã, lại càng mất tinh thần và kết quả là mau chóng tan rã hoàn toàn vào ngày 30.4.1975. Đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975 chính là kết tinh sức mạnh vô song và khát vọng cháy bỏng của toàn dân tộc ta vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như ý nguyện của Bác Hồ kính yêu hằng mong mỏi.

40 năm đã trôi qua, song mỗi lần nhắc tới những kỷ niệm hào hùng của một thời kỳ lịch sử ấy, trên gương mặt của người lính già vẫn không giấu được vẻ xúc động. Xuất ngũ với hàm đại tá, ông trở về với cuộc sống thường ngày, mang theo ký ức của những năm tháng chiến đấu gian khổ của mình cùng đồng đội. Với những đóng góp của mình, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Giờ đây, đã 70 tuổi đời và 50 tuổi Đảng, sống cùng con cháu trưởng thành, quê hương ngày thêm đổi mới, ông vẫn luôn nhớ đến đồng đội với những trận đánh lịch sử. Với ông, mỗi lần được kể lại lịch sử hào hùng như một niềm tự hào của thế hệ cha anh đi trước. Để rồi lớp lớp cháu, con hiểu thêm về truyền thống anh hùng của dân tộc, tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện, cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu đẹp.


 
THANH THUẬN
 

.