J22 huyền thoại

07:04, 30/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã hoàn thành sứ mệnh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến công vĩ đại của quân và dân ta, có phần đóng góp quan trọng của cán bộ và chiến sĩ Phòng Tình báo chiến lược J22, Bộ Tham mưu miền.

Đầu năm 1975, sau hàng loạt thất bại thảm hại trên khắp chiến trường miền Trung và Tây Nguyên, quân ngụy co về cố thủ tại Xuân Lộc, Sài Gòn - Gia Định và Tây Đô. Để có cơ sở cho kế hoạch tác chiến tiếp theo, Trung ương Cục, Bộ Quốc phòng yêu cầu lực lượng tình báo thu thập thông tin: Nếu ta thừa thắng tiến công giải phóng Sài Gòn thì Mỹ có dùng không quân đánh phá miền Bắc không? Có chiêu bài gì mới hay buông tay mặc ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ? Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cơ sở điệp báo báo về: Mỹ không trở lại miền Nam, không ném bom miền Bắc, mặc chính quyền bù nhìn Việt Nam Cộng hòa tự xoay xở.
 

 

Cụm trưởng H63-J22 Tư Cang hạnh phúc giữa người thân, đồng đội cũ. (nguồn: cand.com.vn)
Cụm trưởng H63-J22 Tư Cang hạnh phúc giữa người thân, đồng đội cũ. (nguồn: cand.com.vn)

Ngày 26.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Cả nước dốc sức vào trận cuối. Các cánh quân vừa đánh vừa hành tiến như vũ bão. Ở vùng địch cố sức co thủ, tinh thần rệu rã, hoang mang cực độ. Các cơ quan đầu não của Trung ương Cục miền Nam cũng cuốn chiếu theo sát các mũi tiến công.

11giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ngày 1.5.1975, J22 tới tiếp quản Phủ đặc ủy Trung ương tình báo ngụy, tại số 3 Bạch Đằng. Ngoài bến cảng vẫn còn 3 chiếc tàu thủy nằm bất động. Phủ đặc ủy nằm trong lòng khu vực Bộ tư lệnh hải quân ngụy, với bộ máy hàng trăm người chống cộng khét tiếng, bỗng im ắng lạ thường. Nơi đây, có riêng hệ thống hầm ngầm chuyên giam giữ, tra tấn các chiến sĩ tình báo, biệt động rơi vào tay chúng.

Phải đến cả tuần sau chúng tôi mới được vào nơi giam giữ tra tấn đồng đội mình. Hầu hết tù nhân thuộc lực lượng tình báo được đưa về đây. Trước cửa hầm, những bí danh, những bí số, những tin tức chiến sự tuyệt mật được mã hóa chợt ùa về. Họ là ai? Ai còn, ai mất? Trong số những người mặc áo dân sự có mặt tại khu Đặc ủy khi ấy, ai là điệp viên nằm vùng tại đây, ai là người mang bí danh H3, H63, H67, A22...?

Trái ngược với niềm hân hoan ồn ào của phố phường vừa giải phóng, sự im lặng não nề tràn ngập nơi đây. Cả một hệ thống dụng cụ tra tấn tối tân, man rợ được trang bị. Khu hầm ngầm sặc mùi tanh tưởi của máu mủ, tóc, da thịt vương vãi trên tường, trên sàn nhà. Nơi đây như còn tiếng gào thét xé lòng vì đau đớn của các chiến sĩ chịu những cú đòn thù hiểm ác. Chẳng ai biết được có bao nhiêu chiến sĩ đã bị tra khảo, đã hy sinh cho ngày toàn thắng.

Để góp phần cho ngày toàn thắng, mạng lưới tình báo J22 giăng mắc khắp nơi. Tin tức thu thập được cung cấp kịp thời cho Trung ương và Bộ Tổng tham mưu quyết định những vấn đề chiến lược. Những điệp viên lừng danh tầm cỡ quốc tế là “Ông Cố vấn”- Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ chỉ huy mạng lưới tình báo A2-J22 huyền thoại; thiếu tướng Đặng Trần Đức, bí danh Ba Quốc, cụm H67-J22; thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn tức Hai Trung, điệp viên H63-J22 với vỏ bọc là một phóng viên Việt tấn xã Sài Gòn, ký giả chiến trường, cộng tác viên hãng tin Roi-tơ. Ngoài những tình báo ngoại hạng trên, còn biết bao chiến sĩ tình báo xuất sắc như Đại tá Nguyễn Văn Minh (Ba Minh) điệp viên H3-J22; Nguyễn Văn Nhân, Cụm trưởng B42-J22; Nguyễn Văn Vĩnh, Cụm trưởng  H67-J22...

Cụm trưởng H63-J22 Tư Cang là một trong nhiều chiến sĩ tình báo lập được nhiều chiến công xuất sắc. Địa bàn hoạt động chủ yếu là Sài Gòn-Gia Định, Củ Chi cực kỳ khốc liệt. Nguyễn Thị Yến Thảo tức Mỹ Nhung, điệp viên hào hoa của cụm được cài cắm hoạt động trong cơ quan tình báo Hải quân ngụy. Người mà sáng sĩ quan tình báo ngụy đón đi làm, chiều sĩ quan tình báo Việt Cộng đón về nhà. Yến Thảo là người đã chiến thắng ngoạn mục máy kiểm tra nói dối cùng với đám sĩ quan thẩm vấn cáo già CIA. Tính đến ngày thống nhất, cụm này có 45 người thì đã có tới 27 chiến sĩ hy sinh.

Để tin tức tình báo có được từ các tình báo viên đến được chỉ huy J22, cần có mạng lưới giao thông viên tài giỏi kiên trung như Tô Minh Lai, Hồ Thị Bài, Nguyễn Thị Tuyết, Lê Thị Mười... Nguyễn Văn Thương, chiến sĩ giao thông tình báo J22 trong khi làm nhiệm vụ bị địch phát hiện, đơn thương chống trả quyết liệt, bắn rơi trực thăng và hạ gục nhiều tên địch. Bị giặc bắt, bị tra tấn cực kỳ dã man, bị cưa chân 6 lần tới tận háng. Chết đi sống lại nhiều lần, ý chí kiên trung đã không bị khuất phục. Sau này, với 2 chân cụt, ngồi bàn thẩm vấn tù binh tình báo ngụy, chúng không giấu nổi sự khiếp sợ, cảm phục trước Nguyễn Văn Thương.

Từ trong trận tuyến thầm lặng, với những chiến công huyền thoại, J22 bước ra với con người bằng xương bằng thịt mang ý chí thép. Nhiều cá nhân và đơn vị được tuyên dương, truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tên tuổi và chiến công thầm lặng của J22 còn mãi được ghi tạc, tôn vinh.           

Văn Phong
 


.