Chuyện về những thiếu niên biệt động

02:04, 29/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chẳng kể xiết những gì đã diễn ra 40 năm về trước, thế nhưng điều khiến tất cả mọi người tự hào là trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, trên mảnh đất thị xã Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi) có những thiếu niên dũng cảm, “thoắt ẩn, thoắt hiện” để hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch.
    

Ngày quê hương tròn 40 mùa Xuân sau giải phóng, thành viên của Đội biệt động thị xã Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ có dịp hội ngộ. Những cậu bé, cô bé ngày xưa chỉ mới tuổi mười bốn, mười lăm đã tham gia cách mạng, giờ đây mái tóc đã pha màu sương sớm. Phút giây gặp gỡ cảm động vô ngần, có những người đã 40 năm nay mới  gặp lại.  

Hạnh phúc ngày trùng phùng…

Tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh ngày hôm ấy, nhiều người cảm động khi chứng kiến hình ảnh hai người đàn ông tuổi ngoài 60 ôm chầm lấy nhau. Họ vui mừng khôn tả, nắm chặt tay nhau nói cười không dứt. Hỏi ra mới hay họ nguyên là thành viên Đội biệt động thị xã Quảng Ngãi. Đó là ông Trần Kim (hiện ở tổ 10, phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi) và ông Nguyễn Thế Hải (quê xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, hiện ở TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk). “Đã 40 năm giờ mới gặp lại. Cậu này phải nói là người rất bản lĩnh, gan dạ. Cậu ấy hoạt động nhanh nhạy như con thoi, mới thấy đó đã biến đâu mất tiêu…”, ông Kim nói mà khuôn mặt toát lên niềm tự hào về người đồng chí, đồng đội năm xưa. Đoạn, ông Kim vỗ nhẹ lên vai người đồng đội rồi bảo: “14 tuổi ngày ấy tụi mình nhỏ lắm chứ không lớn như tụi trẻ bây giờ. Thế mà máu lửa thì không gì bằng”.  

Các đồng chí nguyên là thành viên Đội biệt động thị xã Quảng Ngãi trong ngày gặp mặt.
Các đồng chí nguyên là thành viên Đội biệt động thị xã Quảng Ngãi trong ngày gặp mặt.


Đối với người Việt mà nói, lòng yêu nước xuyên suốt qua bao thế hệ. Thế mới có chuyện những cậu bé, cô bé chỉ mới tuổi mười bốn, mười lăm, thậm chí có người chưa đầy 10 tuổi đã tham gia đội biệt động thị xã để góp sức đánh tan quân xâm lược, giải phóng quê hương. Hằng ngày, thành viên đội biệt động theo dõi nắm tình hình của địch, vẽ sơ đồ các vị trí trọng yếu để báo cáo cấp trên.  

Bà Phạm Thị Hồng Lệ (64 tuổi, ở tổ 6, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi)-Nguyên trợ lý Đội biệt động thị xã cho biết, thành viên đội biệt động hiện còn sống khoảng 70 người. “Anh, chị, em gặp lại vui mừng không tả hết. Tuy hoạt động đơn tuyến nhưng tất cả đều thương yêu, quý mến nhau như ruột thịt”, bà Lệ nói.

Chuyện vẫn như in…

Ông Kim kể, năm 1971, khi là học sinh lớp 7 Trường Trung học Trần Quốc Tuấn ông tham gia đội biệt động thị xã. Đội của ông có 4 người, được cấp trên đặt lại tên là: Quyết-Tâm-Lập-Công. Chỉ qua tên gọi không thôi cũng đủ toát lên tinh thần “máu lửa” một thời mà ông Kim đã nói. Ngày ấy, trên đường đến trường và trở về nhà, hay buổi trưa đi chơi bi-lắc… vẻ bề ngoài trông cậu bé Kim thư thả nhưng là lúc đầu óc tập trung làm nhiệm vụ quan sát, nắm bắt tình hình của địch. Trong chiếc cặp của Kim nhiều khi để mìn lẫn cùng với sách vở.  

Có lần cậu bé Trần Kim giấu mìn ở bụi tre. Mờ sáng Kim vội bỏ mìn vào cặp, rồi đến quán cháo ven đường như đã hẹn trước với Nguyễn Thế Hải và một đồng chí trong đội. Trong lúc ăn sáng cả ba đã gắn quả mìn hẹn giờ tại một bàn ăn mà binh lính của địch thường ngồi. Khi các cậu bé rời quán đi đến cầu Trà Khúc thì mìn phát nổ, khiến cho nhiều binh lính địch bị thương.  

Và rồi, những câu chuyện kể như khoét quả bí đỏ để bỏ thuốc nổ vào rồi vận chuyển xuống nội thị, những lần suýt mất mạng nhưng vẫn kiên trì, bền chí hoạt động cách mạng… lần lượt được các thành viên của Đội biệt động thị xã năm xưa kể lại. Bà Lệ cho biết, trong nội thị thường cắm chốt chỉ 3-5 đội, còn chủ yếu hoạt động đơn tuyến. Người nhỏ tuổi nhất trong đội sau năm 1970 là em Võ Văn Tuấn (quê xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, hiện ở tỉnh Lâm Đồng), vào đội khi mới 9 tuổi. Anh trai của Tuấn là Võ Văn Kỳ cũng là thành viên đội biệt động. “Anh, chị, em trong đội tuy nhỏ tuổi nhưng rất dũng cảm. Nhiều em cha hoặc mẹ qua đời do bom đạn chiến tranh, hy sinh nên các em đã hun đúc nên quyết tâm đánh giặc… Đội đã góp nhiều công sức để góp phần giải phóng thị xã Quảng Ngãi”, bà Lệ nói.

Hình ảnh nữ trợ lý đội biệt động Phạm Thị Hồng Lệ năm xưa vừa xinh đẹp, nhanh nhẹn, dũng cảm khiến đồng chí nhớ mãi. Bà xếp bút nghiêng đi bộ đội khi tròn 16 tuổi và đã dẫn dắt nhiều thiếu niên tham gia hoạt động cách mạng. Trong câu chuyện kể, bà nhắc lại chuyện giả làm vợ của lính ngụy. Ngày ấy bà trong vai người đi ở. Ở gần nhà có cơ sở cách mạng, đó là nhà của một đồng chí thị ủy viên, em trai của đồng chí này là người của ta trà trộn vào hàng ngũ binh lính ngụy.

Ngày mà em trai của đồng chí thị ủy viên cưới vợ, cô dâu chính thức ở trong buồng, còn bà Lệ đóng vai cô dâu ra mắt khách. “Nghĩ lại cũng thấy buồn cười, nhưng có vậy mới dễ hoạt động, không bị địch nghi ngờ”, bà Lệ cười nói. Quả đúng là kể sao cho hết hoạt động của Đội biệt động thị xã Quảng Ngãi trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Điều khiến mọi người nhớ như in là tinh thần quả cảm, ý chí chiến đấu kiên cường vì hòa bình trên quê hương, của những thiếu niên Đội biệt động thị xã năm xưa.
 

Phương Lý
 


.